Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Lời giới thiệu của ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Mục lục





Hồng Y   + L.J. Suenens






Vua Baudouin Nước Bỉ
Âm hưởng một cuộc đời


Nguyên tác : Le Roi Baudouin, une vie qui nous parle





Người dịch : Nguyễn Đăng Trúc








Định Hướng Tùng Thư xuất bản
1999
13 g rue de l’ILL, F-67116 REICHSTETT,
 France





Với sự nhượng quyền của
Nhà xuất bản F.I.A.T (Fraternity International Apostolic Team)

© 1998 by Định Hướng Tùng Thư

ISBN 2- 9509951 – 5- 2


Lời giới thiệu

Trong các cuốn sách tôi đọc say mê thâu đêm, có cuốn Đức Hồng y Leo Suenens viết về vua Baudouin, của nước Bỉ. Tên sách tiếp Pháp là "Le roi Baudouin, Une vie qui nous parle".
Đọc xong, tôi quyết định khuyến khích người khác dịch ra Việt ngữ.
Tại sao trong thời đại dân chủ, ta lại mất công phiên dịch sách nói về một ông vua? Lại là một ông vua đã chết? Tác giả lại là một vị Hồng y 90 tuổi cũng đã sắp chết? Vâng, sau khi sách xuất bản, ngài đã qua đời và sách lại bán rất chạy.
Phải chăng những xúc cảm lúc đọc làm cho tôi sai lạc chăng? Tôi nghĩ không phải thế, vì tôi căn cứ vào nhận định của những người tôi quen biết mà tôi nghĩ rằng đáng tin hơn cả, chính xác hơn cả:
Đức cha Paul Schruers, Giám mục giáo phận Hasselt, Bỉ đã mời tôi giảng trong giáo phận của ngài, ngài đã nói với tôi: "Vua Baudouin thánh thiện, hằng ngày xem lễ, và cầu nguyện trong nhà nguyện của ngài. Ngài sống theo tinh thần của phong trào Focolare".
Đức Hồng y Godfried Danneels, Tổng giám mục thủ đô Bruxelles, trong bài giảng lễ an táng đã nói: "Phúc cho dân tộc được một vị quốc trưởng vừa là vua vừa là mục tử của mình".
Đức Hồng y Leo Suenens vị tiền nhiệm của ngài là một nhà thần học lỗi lạc, là một trong ba vị Hồng y được Đức Thánh cha Phaolô VI, chỉ định điều hành Công đồng Vaticanô II, lãnh đạo phong trào Canh tân trong Chúa Thánh Linh...đã kết thúc tác phẩm bằng những lời sau đây: "Tôi mượn lời Đức ông Leclereq đã viết về cha Vincent Leble một nhà truyền giáo tại Trung Quốc để nói về vua Baudouin rằng: "Tôi không dám vượt trước Toà thánh để tuyên thánh vua Baudouin, nhưng tôi nói rằng gương hạnh của ngài, cho ta thấy ngài đủ điều kiện để được tuyên thánh".
Thơi đại ta, thế giới khủng hoảng lãnh đạo, nhìn quanh các quốc gia Âu, Á, Mỹ, Phi, và châu đại dương, không dễ tìm ra một nhà lãnh đạo có giá trị tinh thần. Họ chỉ là những nhà cai trị, những nhà cầm quyền.
Tôi muốn giới thiệu sách nầy với nhiều người thiện chí, thuộc mọi thành phần, mọi tôn giáo, mọi chính kiến trong tinh thần đạo đức và dân tộc.
Cách riêng tôi muốn giới thiệu với các bạn trẻ, dân tộc ta cần đến những nhà lãnh đạo như thế. Tôi đã biết, sau khi vua Baudouin qua đời, nhiều gia đình ở Âu châu khi sanh con đã đặt tên "Baudouin". Gia đình Việt Nam cần có những cặp vợ chồng như vua Baudouin và Hoàng hậu Fabiola.
Vua Baudouin không phải chỉ là một ông vua Công giáo, vì có nhiều vua công giáo không gương mẫu. Nhưng ngài là "một  người công giáo làm vua" - một người lấy đức tin làm nền tảng cho hành động của mình. Đó là lời Đức Hồng y G. Danneels.
Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết, vì tôi muốn để chính các bạn  đọc tiếp xúc với con người đó.
Chân thành hoan nghênh các dịch giả và nhiệt tình giới thiệu với các bạn đọc.

Roma, ngày 24 tháng 06 năm 1998
Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Tổng Giám mục
Chủ tịch Hội Đồng Công Lý Hoà Bình




Một số thời điểm đáng nhớ
trong cuộc đời Vua Baudouin


       07 tháng 9 năm 1930 :
Sinh nhật Nhà Vua.

       23 tháng 2 năm 1934 :
Sau khi Vua Albert I, thân phụ là Hoàng Tử
Léopold, kế vị lấy tên là Léopold III, Bau-
douin trở thành Hoàng Tử với quyền kế vị.

       29 tháng 8 năm 1935 :
Hoàng hậu Astrid, thân mẫu Baudouin từ
trần vì tai nạn.

       Tháng 6 năm 1944 đến tháng 7 năm 1945 :
Bị lưu đày với cả gia đình qua Đức quốc,
sau đó

       Tháng 10 năm 1945 : 
Lưu trú tại Thụy Sĩ vào thời kỳ có "vấn đề
của hoàng gia".

       22 tháng 7 năm 1950 :
Rời Thụy Sĩ về Bỉ quốc.

       17 tháng 7 năm 1951 : 
Vua Léopold III thoái vị và con là Hoàng tử
Boudouin lên kế vị.

       17 tháng 12 năm 1960 : 
Hôn lễ của Vua Baudouin với Donã Fabiola
deMora y  Aragón, tức Hoàng hậu Fabiola.

       24 tháng 11 năm 1965 :
Hoàng thái hậu Elizabeth, vợ của Albert I,
bà nội của Vua Baudouin qua đời

       25 tháng 9 năm 1983 :
Vua cha là Léopold III qua đời.

       31 tháng 7 năm 1993:
Vua Baudouin từ trần



Mục lục

Lời giới thiệu...............................................      
Lời tựa  .......................................................    

Phần Một
Những kỷ niệm thiết thân

Chương I         
Điều bất ngờ trong cuộc đời Nhà Vua ......... 
Chương II        
Bí ẩn lễ đính hôn .......................................... 
Chương III      
Đôi vợ chồng hoàng gia .............................

Phần Hai
Bí ẩn của một cuộc sống
trong hành trình siêu nhiên

Chưong IV        
Bí ẩn một cuộc sống ..................................... 
Chương V       
Hành trình của cuộc sống siêu nhiên ............


Phần Ba
Khổ đau và sự tin tưởng
của một người con vào Thiên Chúa

Chương VI          
Khổ đau rèn luyện cuộc sống .....................
Chương VII        
    Bình thản chấp nhận chết đến .............. 
Chương VIII   
Sứ điệp cuối cùng gửi quê hương; qua đời
tại Tây Ban Nha và quốc táng  ..................    

Phần Bốn
Âm hưởng một cuộc đời

Chương IX        
Lời vĩnh biệt Phục Sinh .............................
Chương X         
Những lời chứng hùng hồn ....................... 

Lời Kết
Ý nghĩa của một lời cầu vĩnh biệt .......... 

Phụ Chú
Kết hợp liên lỉ với Mẹ Maria
 .................


Lời Tựa

Viết cuốn sách nầy là việc bất ngờ nhất đối với tôi trong những điều bất ngờ Chúa gửi đến[1].
Trong tập ký sự của đời tôi, lấy tựa đề là Kỷ niệm và hy vọng và Những điều bất ngờ đến từ Thiên Chúa (Souvenirs et Espérances, Les Imprévus de Dieu), vì bổn phận phải bảo mật thể theo khuôn khổ của nếp sống quốc gia, tôi buộc lòng không nhắc đến vua Baudouin. Nhưng nay cái chết đột ngột của Vua lúc này lại đòi hỏi tôi phải làm một việc ngược lại : đó là quảng bá một đôi điều chưa từng được biết đến về con người Nhà Vua, những nét nổi bật gợi lên nhân cách thâm thúy cống hiến cho kitô hữu một tấm gương từ cuộc sống đầy hứng khởi siêu nhiên vượt bực của Nhà Vua.
Lời chứng của tôi sẽ gợi lại một quãng đời quan trọng của Nhà Vua vừa tạ thế, từ năm 1960 đến năm 1993.
Tôi đã chọn phụ đề của sách nầy là: (Une vie qui nous parle) Âm hưởng một cuộc đời: Một cuộc sống lên tiếng nói với chúng ta. Hy vọng rằng, xuyên  qua những trang nầy, người đọc sẽ nhận ra được âm hưởng của lời nói và sứ điệp hùng hồn của cuộc đời Ngài.


+ Hồng y L. J. Suenens
11 tháng 2 năm 1995
Lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức.









































[1] Les Imprévus de Dieu, dày 330 trang, Ed. Fayard, Paris, 1993.

Chương I Điều bất ngờ trong cuộc đời của Vua



Phần Một

Những kỷ niệm thiết thân


Chương I

Điều bất ngờ trong cuộc đời của Vua

Hôm sau ngày Vua qua đời, hai lời chứng hết sức cô đọng và chính xác trên đài truyền hình làm tôi lưu ý. Thi sĩ Jules Beaucasne phát biểu rằng: "Dân chúng đã tôn vinh một con người của tình yêu  thương nơi Nhà Vua". Nhà báo Philippe Druet nhận định: "Thực thi vương quyền, như Vua đã làm, đó cũng là một chức tư tế".
Những lời đó ăn khớp một cách lạ lùng với những lời của Hồng y Danneels trong bài giảng của ngài: "Chúng ta đã đứng trước với một con người, còn hơn cả một vị vua: người đó là mục tử của dân mình".
Vị vua đó sẽ được nhắc đên qua những kỷ niệm riêng tư của tôi suốt trong thời gian từ năm 1960 đến năm 1993. Khi chọn tựa đề của phần một cuốn sách là "L'imprévu Royal" (Điều bất ngờ đến trong cuộc đời của Vua), tôi thật tình muốn nhấn mạnh mối liên hệ sâu xa giữa cuốn sách nầy và cuốn sách trước đây của tôi với tựa đề: "Những bất ngờ đến từ Thiên Chúa" (Les Imprévus de Dieu). Khi Vua còn tại thế, có những điều cần phải giữ kín. Nay bổn phận phải im lặng lại chuyển thành nghĩa vụ phải làm chứng, vì sự thật lịch sử có những luật riêng của nó.
***
Mùa Thu 1959, tôi được mời đến hoàng cung. Ý hoàng gia muốn hỏi tôi về học trình đại học của một trong những người con trong nhà. Tôi được hỏi ý vì phận vụ trước đây của tôi là phó viện trưởng Đại học Louvain.
Sau buổi bàn thảo, tôi được mời đến diện kiến Vua Baudouin. Vua đã không dự cuộc bàn thảo trước đó vì bị cúm phải ở trong văn phòng riêng. Hai chúng tôi chào hỏi theo xã giao thông thường trong một cuộc hội kiến khá ngắn ngủi. Nhân tiện, tôi nói với Vua rằng vừa cho xuất bản một cuốn sách : Tình yêu và tự chế (Amour et Maitrise de soi) và sẽ gửi tặng Ngài. Và tôi đã gửi sau đó.
Vài tuần sau khi lành bệnh, Vua muốn gặp lại tôi và định ngày giờ cho cuộc gặp.
Lần gặp gỡ thân mật đầu tiên nầy diễn ra trong một cuộc đi dạo ở vườn hoàng cung. Trong khung cảnh thiên nhiên rất thoải mái chúng tôi nói hết chuyện nầy đến chuyện khác. Vào dịp nầy tôi có đề cập đến bài thuyết trình mà tôi mới cho xuất bản: Savoir écouter [1]. Vua yêu cầu tôi gửi cho Người bản văn đó. Ngày 12.2.1960 tôi gửi bản văn kèm theo một bức thư. Đến bây giờ sau nhiều năm tháng qua đi, đọc lại thư nầy, tôi thấy lại bầu khí chân tình, vừa thân ái vừa kính trọng trong thư, mỗi ngày mỗi đậm đà thêm.
Đây là nội dung bức thư:
Thưa Ngài,
Bản văn của cuộc nói chuyện, lấy tựa đề "Biết lắng nghe" mà Ngài yêu cầu tôi gửi, vừa mới được đăng trong số báo mà tôi vội gửi cho Ngài kèm theo thư nầy.
"Nghệ thuật lắng nghe", Ngài đã từng áp dụng môt cách tuyệt vời ở Congo, và nó là phong thái của cuộc sống thường nhật của Ngài. Đây hẳn là một gánh nặng ghê gớm! Càng khó khăn hơn nữa khi phải vượt qua hàng rào của âm thanh để nắm cho được thực tại xuyên qua những lời nói thường diễn tả không hết hoặc còn vướng vấp thiên kiến nữa.
Và Ngài lại phải gánh nỗi cô đơn đặc biệt ! Ngày ấy, khi chúng ta đi dạo trong vườn hoàng cung tráng lệ nhưng lạnh vắng giữa khung cảnh trơ trụi của mùa đông, tôi ghi khắc nỗi cô đơn của Ngài.
Trăm mắt nhìn vào từng cử chỉ của Ngài để dò hỏi - và Trời mà biết được người ta dò hỏi điều gì! Ngài không thể nói lên một lời nào mà không khỏi sợ lời mình tâm sự rồi ra có thể bị rêu rao hay xuyên tạc. Ngài bất đắc dĩ phải chịu cảnh gò bó của qui ước giam hãm, trong lúc đó người ta biết rằng với tâm tính hồn nhiên cởi mở của Ngài, Ngài muốn đạp bằng các hàng rào chận lối tương giao...và những bức tường cản ngăn khác.
Nhưng, mặt khác, nỗi cô đơn nầy lại giúp Ngài đứng xa để nhìn rõ hơn, thấu hiểu được con người và tình thế; đó là ơn phúc của sự thinh lặng, nghe được rõ hơn tiếng Chúa nói và cảm nhận một cách xác tín hơn Đấng Tuyệt-dối Duy nhất!
Và khi cư ngụ được nơi tuyệt đối, thì tương đối trở thành thật sự tương đối, để không một điều gì có thể lung lạc tâm hồn chúng ta, bất chấp những giao động bên ngoài. Chúng ta sẽ được như  cây sồi với châm ngôn: "Một cái không là gì cả lay động tôi, nhưng không có gì cả làm tôi rung chuyển". Khi người ta bám rễ nơi Thiên Chúa, mọi việc khác dù quan trọng đến mấy, cũng trở thành thứ yếu...và kỳ cùng tâm ta sẽ thanh thản.
Tôi dài dòng viết lên những suy tư bất chợt như tiếp nối những câu chuyện nhát gừng của chúng ta trước đây; những câu chuyện ấy đem lại cho tôi một niềm vui sâu xa. Tôi hy vọng Ngài đã kiên nhẫn đọc trọn cuốn sách: tôi thật sự sung sướng về những phản ứng của Ngài đối với mấy chương đầu nên mong được biết cảm nghĩ chung về toàn cuốn sách. Tôi sẽ đi Roma ngày mai và lưu lại đó đến ngày 22. Tôi sẽ đặc biệt cầu nguyện cho Ngài bên cạnh mồ Thánh Phêrô.
Tôi ao ước có thể giúp ngài phần nào trong việc đáp trả ơn gọi từ thiên chức cao cả của Ngài, đáp trả ước mơ của Thiên Chúa nơi Ngài.. Vì Thiên Chúa có một ước mơ mà Người muốn thực hiện trong Ngài, với Ngài, qua Ngài.
Sứ mạng đó, Chúa trao cho Ngài, và đồng thời cũng ban cho Ngài những ân huệ, không những dồi dào mà còn dư tràn để Ngài hoàn thành tốt đẹp.
Chúa không hẹp hòi trong tình yêu và luôn luôn ân cần lưu ý. Chúa phó thác nghĩa vụ thì đồng thời ban ân sủng; Chúa đại độ vô song. Chúa chỉ muốn có ưu quyền là yêu chúng ta trước và luôn đi bước đầu để yêu thương.
Vì tôi đối xử với Ngài như thế với con mắt của đức tin, nên tôi xin Ngài đừng bao giờ ngại điện thoại cho tôi, khi có việc, hoặc khi không có một lý do gì; Ngài cứ gọi tôi, khi nào Ngài muốn.
Tự đáy lòng tôi thấy rất gần Ngàii và quí mến Ngài vô cùng như Ngài có thể đoán biết, tôi dám hy vọng như thế. Nếu Chúa muốn dùng đến tình cảm sâu đậm nầy để đôi lúc nói với Ngài lời Chúa muốn nói, thì tôi không cầu xin gì hơn là được làm người phát ngôn của Chúa trong một số hoàn cảnh.
Nhân danh Chúa, tôi chúc lành cho Ngài và xin Ngài nhận những tình cảm quí mến và kính trọng của tôi.
Dưới tín hiệu của Đức Mẹ :
Cuộc đi dạo thứ hai và nhắc đến Lộ Đức
Nhận được thư tôi, Vua mời tôi đi dạo một lần nữa trong hoàng cung. Trong lúc đi, chữ "Lộ Đức" được nói đến trong câu chuyện. Tôi gợi ý với Vua rằng nếu Ngài có thể đến đó, một cách âm thầm không ai biết, và hoà mình vào đoàn người hành hương, thì thật là diễm phúc cho Ngài; và tôi cũng nói thêm e rằng đó chỉ là giả tưởng. Nhưng tôi hết sức ngỡ ngàng, khi Vua trả lời:
" Tôi vừa mới từ Lộ Đức về đây, tôi đã cầu nguyện suốt đêm ở cạnh hang đá, và phó thác cho Đức Mẹ Lộ Đức xin Mẹ giải quyết vấn đề hôn nhân cho tôi".
Lời tâm sự của Vua làm tôi xúc động, nên tôi kể cho Ngài nghe những gì Lộ Đức mang lại cho cuộc đời tông đồ của tôi, qua một cuộc gặp gỡ tại đây với một nhân vật phi thường: Cô Veronica O'Brien [2].
Phản ứng tức khắc của Vua là hỏi tôi: "Thế thì tôi có thể gặp cô đó được không?"
Tôi trả lời cũng dễ vì hiện giờ cô ấy còn có mặt tại Bruxelles. Ngày hôm sau, tôi gửi cho Ngài địa chỉ và số điện thoại, kèm theo cuốn sách mà chúng tôi đã nói đến: Phó thác cho Chúa Quan Phòng (L'Abandon à la Providence Divine) của linh mục de Caussade - S.J., một tài liệu quí giá có tính cách cổ điển trong kho tàng văn chương tôn giáo. Tôi tìm lại được tấm thiệp đính kèm đề ngày 29.2.1960, trong tập hồ sơ lưu trữ các thư từ của Nhà Vua gửi trả lại cho tôi sau khi Ngài băng hà. Tôi đọc lại bưu thiếp lòng đầy cảm động khi nghĩ đến một chuỗi các sự việc xảy ra sau đó.
Đây là nội dung bức thư:
Thưa Ngài,
Đây là quyển sách nhỏ...và cầu chúc Ngài may mắn lên đường. Tôi hy vọng "de Caussade" giúp Ngài tiếp nhận được sứ điệp của mình để Ngài kết hợp với Chúa trong mọi "hoàn cảnh", kể cả những hoàn cảnh hỗn loạn nhất.
Tôi đã chuyển đến Cô O'Brien lời mời đầy thiện chí của Ngài: Cô ấy rất sung sướng được Ngài gọi đến trong hạ tuần tháng ba. Ngài nên mời cô ấy vào một buổi chiều để tiếp xúc riêng. Tôi tin rằng cuộc gặp gỡ nầy đúng là một ơn đặc biệt do Đức Mẹ Lộ Đức sắp đặt.
Tôi thấy lâng lâng niềm vui của một ngày mùa Xuân, với tất cả ý nghĩa của chữ nầy, và xin Ngài nhận tấm lòng qúi trọng của tôi.
TB : Kính kèm theo đây địa chỉ rue de Suisse và số điện thoại.
Nhà Vua cho tôi hay chính Ngài sẽ báo cho cô O'Brien ngay sau khi đi nghỉ trượt tuyết ở Thụy  Sĩ về. Sau đó, khi về lại Bỉ vua đã gửi một giấy mời theo đúng cung cách, ấn định ngày giờ của buổi yết kiến [3].
 Cuộc gặp gỡ lần đầu với cô V. O'Brien (18.3.1960)
Cô O'Brien lái chiếc xe nhỏ về điện Laeken, nhưng lạc đường; vì ngại đến trễ, nên cô liều chen vào giữa hàng cây để quay xe lại cho đúng hướng. Và xui thay, cô lại đi vào cửa cấm dân chúng đi vào.
Vì đến trễ, cô bối rối xin lỗi Nhà Vua mà cô gọi là "Ông Vua: Mister King". Không khí căng thẳng biến mất, và cuộc gặp gỡ kéo dài...năm giờ liền. Khung cảnh (tương đắc) đến độ Veronica bạo dạn xin một ly nước và một lát bánh mì thịt nguội. Người sĩ quan tùy viên mang nước và bánh mì tới, đặt trên một cái khay; tôi nghĩ ông ta chắc phải ngạc nhiên lắm.
Ngày hôm sau (23.3.1960), cô viết cho Vua một bức thư mà tôi dịch ra từ nguyên bản anh ngữ :
Ngày 23 tháng 3 năm 1960
Vua thân mến (Dear King),
Trong ngày lễ Truyền Tin nầy, tôi xin được biếu Ngài những cuốn sách nhỏ đáng quí mà chúng ta đã nói đến [4].
Mấy cuốn sách nầy gửi đến Ngài với nhiều ân phúc vì từ lễ Thánh Giuse tôi không ngớt cầu nguyện cho Ngài mỗi ngày. Tôi cảm thấy rõ ràng và thâm tín rằng Ngài là một trong những tâm hồn được chọn, được Thánh Louis Marie Grignion de Montfort tiên đoán cách đây hai trăm năm, khi thánh nhân viết cuốn luận thuyết.
Dường như năm nầy có thể là một năm quyết định đối với Ngài. Chính vì thế Chúa Thánh Thần muốn Ngài thực hiện rõ ràng hơn "công việc" của mình nơi trần thế nầy, nên mạc khải cho Ngài một cách thân thiết hơn nữa về "sự bí ẩn của Đức Mẹ Maria". Tôi tin chắc rằng rồi đây khi Ngài suy gẫm và cầu nguyện qua những trang sách thánh thiện nầy, Ngài sẽ chọn Đức Maria làm nữ vương của Ngài và Ngài sẽ nhận Đức Mẹ làm Mẹ mình, còn hơn cả trong quá khứ. Sau đó, Ngài nên để tình yêu nồng thắm của Đức Mẹ dẫn dắt và soi dọi trong những chi tiết của cuộc sống.
Đức Maria tha thiết lưu ý đến tương lai của Ngài hơn cả chính Ngài từng lo lắng. Mẹ sẽ dẫn dắt tất cả bước đi của Ngài, đưa ngài đến gặp người bạn đường tương lai, để cùng nàng Ngài sẽ yêu mến và phục vụ Chúa nhiều hơn nữa.
Có thể Mẹ sẽ chỉ cho Ngài điều đó rõ ràng hơn trong bầu không khí cầu nguyện của một cuộc tĩnh tâm. Phải chăng vì Mẹ muốn cho Ngài biết được gợi ý nầy nên Mẹ đã gửi tôi tới gặp Ngài! Điều chắc chắn là Mẹ muốn và xếp đặt cuộc gặp gỡ của chúng ta. Chính Mẹ đã ban cho Ngài ơn để mời và đón tiếp tôi một cách dịu dàng và khiêm tốn. Và Mẹ đã ban cho tôi ơn để nói với Ngài một cách can đảm và bạo dạn như thế.
Tôi còn ở Bruxelles trong một tuần nữa, lâu hơn dự tính, cho đến ngày thứ sáu Tuần Thánh, 15.4. Sau đó tôi phải đi một vòng Hoa Kỳ. Nếu Chúa muốn, tôi sẽ trở lại Bruxelles vào tháng tám.
Tôi thành thực cám ơn Nhà Vua về vinh dự mà Ngài dã dành cho Hội Đạo Binh Đức Mẹ khi mời tôi đến dinh Laeken.
Tôi thấy mình tệ quá vì đã lạc đường nên đến trễ, nhưng tôi biết Ngài không xem đó là một sự thất kính.
Xin cám ơn Ngài một lần nữa.
Hết lòng phục vụ và biết ơn Ngài,

Veronica O'brien





Phản ứng của Vua
về cuộc gặp gỡ đầu tiên nầy
Nhà Vua sau đó đã nhắc lại nhiều lần cũng như về ý nghĩa của cuộc gặp gỡ nầy đối với Ngài. Trong các trang nhật ký về cuộc sống siêu nhiên, qua nhiều năm tháng Ngài vẫn cảm động nhắc lại. Tôi chép lại đây trang nhật ký của Nhà Vua về việc nầy, được viết ra thật lâu sau đó vào năm 1991. Trang giấy đó cống hiến chìa khoá đọc hiểu sự tình. Nội dung như sau:
"Lạy Chúa, cách đây 43 năm con đã xin Chúa gửi đến cho con một vị nữ thánh để dẫn dắt con trong cuộc sống siêu nhiên và đào luyện con người của con.
Mười hai năm sau đó, Grace [5] đã đến trong đời con , mặc toàn màu xanh (cố ý nói đến nước Ái Nhĩ Lan). Chúa cho con nhớ lại liền lúc ấy về lời cầu nguyện của con lúc còn là người thanh niên tuổi 18.
Cám ơn Chúa về tình yêu vô biên Ngài đối với con. Cám ơn Chúa đã cho con nhận ra cô ấy như là thiên thần bản mệnh của con. Cám ơn Chúa về ơn lành mà Chúa đã ban cho con qua cô ấy. Cám ơn Chúa về gương lành mà cô ấy tiếp tục cống hiến cho chúng con qua phong cách sống của cô giữa những khổ đau thân xác, tinh thần, những khó khăn cô phải chịu đựng trong tuổi già.
Cám ơn Chúa về những tình bạn của cô với Michel [6] và với Yvette [7]   về cuộc sống cầu nguyện và  tính tình vui vẻ của cô.
Cám ơn Chúa Giêsu từ thuở đời đời đã tạo dựng cô  và đã cho phép con được đến trong đời cô một khoảng thời gian. Lạy Chúa, Chúa cưng chiều con quá sức, bằng một tình yêu vô tận, vững bền và không ngừng nghỉ.
Lạy Mẹ của con, nguồn con cậy trông".
Cuộc hội kiến thứ  hai
Nhà Vua muốn được gặp lại cô O'Brien để tiếp tục câu chuyện từng làm cho Người xúc động.
Trong cuộc hội kiến lần nầy, Ngài tâm sự với cô về nỗi lo lắng của Ngài, vừa có tính cách cá nhân vừa liên quan đến việc quốc gia, đó là nỗi lo  cần phải cưới vợ, không thể chần chừ lâu được nữa.
Nhưng phải làm thế nào bây giờ? Nhà Vua thú thực với cô là Ngài hướng về vùng đất Tây Ban Nha như vùng đất ưu tiên, nhưng Ngài thấy khó khăn trong việc tìm kiếm. Vua chia sẻ với cô mối ưu tư nầy và không có ý nào khác là xin cô giúp lời cầu nguyện.
Cuộc hội kiến thứ  ba
và chuyện bất ngờ xảy ra sau đó
Vào đêm tiếp theo sau cuộc hội kiến, Veronica như đã nghe được một lời nói bên trong mình. Giống như những lời đã vọng lên vào mỗi lúc quan trọng nhất của đời cô. Lời đó nói với cô:
"Hãy đi đến Tây Ban Nha, hãy đi đến Tây Ban Nha".
Tỉnh dậy, cô cầu nguyện và tin rằng Chúa thật sự đã gợi lên ý nầy; và dù ý đó xem ra như huyền hoặc và táo bạo, cô buộc lòng phải trình lại với Nhà Vua và đề nghị xin tự nguyện thực hiện "điệp vụ khó khăn" đi Tây Ban Nha để khai lối cho Ngài.
Cô lại xin hội kiến một lần nữa. Cuộc hội kiến diễn ra ngày 13.4.1960. Nhà Vua ngạc nhiên và xúc động về đề nghị bất ngờ và quảng đại nầy của Veronica: cô sẵn sàng dám thử liều một sứ mạng bất chắc như thế mà đành gác lại những công tác tông đồ của cô ở Hoa Kỳ và các nơi khác. Ngài tỏ lòng cám ơn, chấp thuận đề nghị và đồng ý để cô được tùy nghi tiết lộ bí mật nầy cho một số nhân vật nếu cô thấy cần thiết. Nhà Vua cũng trao cho cô một bức tín nhiệm thư, nhưng không nhắc đến sứ mạng được giao phó.
Những người trong hoàng gia cũng như các giới thân cận tôi không ai hay biết gì sứ mạng nầy. Ngay cả vị hồng y mà lúc bấy giờ tôi là một trong những người phụ tá, cũng không được thông báo.
***
Thư gửi Nhà Vua, trước chuyến đi Madrid
Ngày áp lễ Phục Sinh, Veronica viết cho Nhà Vua một bức thư đề ngày 15.4.1960 trong thời gian chuẩn bị lên đường:
"Lạ thật, chuyện gì đang xảy ra thế nầy? Tôi thấy mình như đang ở giữa cơn lốc, do cái gì hay ai đó cao xa lắm cuốn tôi đi.
Từ cuộc hội kiến vừa qua, tôi thấy mọi dự án của mình rất nhiều dự án - đảo lộn hết, và tôi phải tiến hành một con đường khác. Và tất cả chỉ vì Luigi [8].
Tôi nghĩ rằng tôi nên ẩn nhẫn để hiến trọn cho công việc đặc biệt nầy. Vì, nếu tôi trì hoãn và khởi đầu sau thời gian lưu trú tại Hoa Kỳ, thì đến cuối tháng bảy công việc nầy mới thực hiện được. Nhiệm vụ trao cho tôi lại vô cùng khó khăn, mà đến tháng tám, thì vì nhiều lý do khác nhau, sự việc sẽ bất lợi cho chính Luigi. Nếu như làm ngay bây giờ, nghĩa là khởi sự từ ngày 28.4, ngày lễ thánh Louis-Marie Grignion de Montfort, thì tôi có thể trở về gặp Ngài sớm vào khoảng đầu tháng sáu và tường trình chi tiết với Ngài...
(Tiếp theo là những gợi ý về cuộc sống hằng ngày.)
Tôi biết Ngài luôn buộc mình chính mình phải sống đại độ mỗi ngày và mỗi giờ. Ngài hẳn phải cố gắng phi thường để nên thánh toàn vẹn trong mỗi nhịp thở của mình. Và nên thánh có nghĩa là: yêu thương hết lòng, hết tâm trí mình, yêu thương mỗi con người trong đại gia đình của Ngài. Và "yêu thương" có nghĩa là : Đi đến với họ, nói với họ, chia sẻ với họ.
Chiều hôm nay, tôi đọc trong Phúc Âm việc Chúa Giêsu đã nói người ta sẽ nhận ra chúng ta là những môn đệ Người,  nếu họ có thể nói về chúng ta rằng chúng ta yêu mến kẻ khác.
Tôi hy vọng Ngài sẽ đi đàng Thánh giá hôm nay, ngày thứ Sáu Tuần Thánh; và khi đến chặng thứ tư, cầu xin Thánh Veronica sẽ gửi đến cho tôi nhiều ơn lành. Đặc biệt là ơn can đảm siêu nhiên để làm những việc...điên rồ".
***
Những lời chúc mừng Phục Sinh
Về phần tôi, tôi viết cho Nhà Vua một bức thư chúc mừng lễ Phục Sinh phản ảnh những xúc động và sự việc bất ngờ lúc ấy:
Phục sinh 1960
"Mừng Lễ Phục Sinh! Tôi dùng một lối văn khác để chúc mừng Ngài! và tôi rất vui mừng về điều Đức Nữ Đồng Trinh rất thánh đang làm. Nay ngài chỉ nhắm mắt, đưa tay nắm tay Mẹ và phó thác mọi sự cho Mẹ. Có lẽ Mẹ lại có những ý định khác, làm đảo lộn sự khôn ngoan con người hữu hạn của chúng ta: bây giờ chỉ cần tiến bước trên con đường đang mở ra trước mắt mình và sẵn sàng bẻ quẹo tay lái trước mỗi khúc ngặt.
Nhưng sự phó thác thâm sâu đó không chuẩn cho ta bổn phận phải vận dụng tối đa sự khôn ngoan và cẩn trọng. Ngài có thể có được sự tin tưởng tuyệt đối đó. Tôi biết rằng thật sự Ngài đã thực hiện được rồi và tôi vẫn cầu chúc thêm, như lời của linh mục Guynot [9].
"Nhiều hồng ân, nhiều hồng ân cao cả sẽ đến với Ngài qua đường lối nầy": Tôi cầu xin Thánh Louis-Marie và cả Thánh Têrêxa nữa, xin các thánh dẫn dắt và giúp đỡ để hoàn thành tốt đẹp cuộc hành trình thực hiện ý Chúa, "Xin Chúa dẫn con đến nơi nào Chúa muốn để con yêu mến và phục vụ Chúa hơn nữa".
Tôi cầu nguyện từng nghìn lần như thế, và lời cầu nguyện nầy chắc chắn được nhận lời, có thể không đáp ứng theo ý của Nhà Vua, nhưng luôn luôn sẽ được thể hiện theo cái nhìn của Chúa. Đấy là nền móng cho nỗi lạc quan siêu nhiên trong cuộc sống của con người. Dù thế nào, phải nhận rằng : Đức Nữ Đồng Trinh rất thánh có nhiều sáng kiến và gửi đến nhiều chuyện bất ngờ, Mẹ có lối cư xử trực tiếp!
Tôi xin gửi kèm theo đây tư tưởng của linh mục Schryvers mà tôi thường suy gẫm qua sự việc mà ngài đã biết, và nó đang thể hiện một cách hùng hồn trong trường hợp của Ngài: "Nếu cần phải có sự hiện diện của một cố vấn nào đó để nói lời cần thiết với một tâm hồn, thì Chúa sẽ gửi một người đến từ tận cùng thế giới".
Kỳ cùng, chỉ có sự thánh thiện là điều đáng phải khổ cực để tìm kiếm nơi trần thế nầy. Ngài có biết lời nói nầy của Bergson không:
"Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới và làm đảo lộn thế giới cũng chỉ vì muốn tạo nên những vị thánh".
Tôi xin thắng gấp để chấm dứt nơi đây.
TB : Ngài có biết sách Tôbia trong Kinh Thánh không ? Có lẽ là lúc nên đọc nó : Ngài sẽ thấy liền lý do tại sao.
***
Vì mong cho sự việc được kết quả tốt đẹp nên tôi viết một bức thư cho Đức Khâm sứ Toà Thánh ở Madrid, Đức giám mục Antoniutti (sau nầy là Hồng y) mà bấy giờ tôi chưa từng quen biết, xin Ngài cho cô O'Brien được gặp và tin tưởng vào cô, nhưng tôi không nói về việc gì rõ rệt. Mục đích bức thư nầy là bảo chứng sự tín nhiệm cho cô O'Brien, khi tình thế đòi hỏi.
Nay chỉ còn việc phải bạo dạn lên đường mạo hiểm. Để bảo mật, Veronica chấm dứt mọi thư từ liên lạc với bạn bè của cô trong Đạo Binh Đức Mẹ; nhiều người ngạc nhiên và gay gắt chỉ trích cô về sự vắng mặt không thể giải thích nầy..., thực ra cũng không thể giải thích thế nào được.
Cô báo tin hủy bỏ các cuộc nói chuyện theo chương trình dự trù ở Hoa Kỳ; và để đánh lạc hướng chính người thân của cô, cô đã lấy máy bay đi Madrid... qua trạm ngừng chân ở Luân Đôn để mọi người tin là cô đi đến Hoa Kỳ.



[1] Biết lắng nghe, bản văn sau đó được đăng trong Vie quotidienne, vie chrétienne, Paris, Desclée, 1962.

[2] Xem chi tiết về cuộc gặp gỡ nầy và những gì xảy ra sau đó trong Les Imprévus de Dieu: những bất ngờ đến từ Thiên Chúa, đặc biệt ở các trang 87 và 96.

[3] Thân thế của cô Veronica O'Brien được ghi lại đầy đủ trong tập 2 của cuốn ký sự của tôi tựa đề: Les Imprivus de Dieu, Fayard, Paris, 1993.
[4] Đó là cuốn Secret de Marie và cuốn Traité de la vraie dévotion của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort.

[5] Grace là tên gọi chỉ Veronica.
[6] Michel là bí danh nói về tôi
[7] Yvette Dubois là trợ tá xã hội theo lời xin của Veronica và cũng là người bạn gái trung thành của cô suốt hơn nửa thế kỷ.

[8] Luigi là bí danh của Nhà Vua ngay từ lúc đầu
[9] Xem thư quan trọng của Linh mục Guynot nói Veronica O'Brien, trong Les Imprévus de Dieu, tr. 102 - 105.