Lời kết
Trong lễ an táng, vào lúc tưởng niệm linh hồn những kẻ đã
khuất, tôi phát biểu một vài câu để xác thực và nhấn mạnh điều mà Đức Hồng Y kế
vị tôi vừa mới nói liên quan đến bí mật của Nhà Vua, mà tương lai các sử gia sẽ
tìm cách khám phá. Đức Hồng Y đã chỉ rõ cho họ phải tìm chìa khoá để mở bí mật đó
ở đâu. Ngài nói: "Nhà Vua có bí quyết,
đó là Thiên Chúa mà Ngài hết lòng yêu thương, yêu thương như điên như dại, và
Thiên Chúa đó hết tình yêu thương Ngài".
Tôi hết sức xúc động khi nghe những lời nầy, nên muốn kéo
dài thêm vài câu:
"Đây là giây phút tưởng
nhớ đến linh hồn những kẻ đã khuất, tâm tư chúng ta hướng về người đang hiện diện
thực sự giữa chúng ta đây. Xin cho người ấy được an nghỉ trong an bình và hoan
lạc của Chúa.
Tôi xin được nhấn mạnh một chữ,
mà vị kế vị của tôi vừa mới nói ra. Việc Chúa đã thực hiện - trong tâm hồn Nhà
Vua vừa tạ thế của chúng ta thật là cao
cả và tốt lành. Thánh Kinh dạy chúng ta
"Hãy giữ kỹ bí mật của Vua". Nhưng có ngày rồi tất cả các chiều kích
của bí mật ấy sẽ được toàn thế giới nhắc đến.
Cám ơn Chúa. Xin Chúa nhận người
ấy vào Niềm-vui và Vinh-quang của Chúa, và xin cho người ấy mãi hiện diện trong
cuộc sống của mỗi một chúng con".
Trong lúc cử hành thánh lễ nầy, hai lời nói của Kinh Thánh
hiện ra trong trí tôi, khiến tôi buột miệng phát biểu chứ không dọn sẵn trước:
Tôi nghĩ đến đoạn văn của Thánh Kinh, nơi sách Tobia trong Cựu Ước:
"Nếu giữ gìn các bí mật của
Vua là một việc tốt lành, thì mặt khác quảng bá những kỳ công của Thiên Chúa và
cảm tạ Ngài là việc chính đáng" (Tobia 12,7).
Lời nói thần thánh nầy nhắc nhở tôi nhớ lại một lời Thánh
Kinh khác, từ miệng Đấng Cứu Thế. Ngài dạy chúng ta rao truyền những việc kỳ diệu
mà Ngài hoàn thành nơi cuộc sống của con người, nơi tâm hồn biết đón nhận những
kỳ diệu đó một cách đơn sơ và thành thực. Vì đừng bao giờ quên rằng chỉ có Thiên
Chúa là thánh và chỉ có Ngài là đáng được ca ngợi trong họ:
"Một thành phố xây trên núi
không thể bị cất dấu, và người ta không đốt một cây đèn để cất dấu trong thúng,
nhưng lại đặt lên một chân đèn, và đèn soi cho tất cả những người ở trong nhà.
Nên ánh sáng của các con phải
toả lan ra trước mặt mọi người để họ thấy được những việc tốt lành của các con
và họ ngợi khen Cha các con, Đấng ở trên trời" (Mt
5, 14).
***
Từ dạo đó, có người đã lên tiếng xin Giáo hội mở một cuộc
điều tra phong chân phước. Phải nghĩ thế nào về việc nầy? Tôi không có tư cách để
trả lời về vấn đề chính đáng nầy.
Trong đời tôi, tôi đã được gặp một vị truyền giáo rất đáng
kính, Linh mục Lebbe, tông đồ ngoại hạng ở đất Trung Hoa, và tôi thích lối nhận
xét của Đức Giám Mục Jacques Leclercq, người viết tiểu sử của vị truyền giáo đó,
trong mấy hàng ở phần kết luận của tập tài liệu liên hệ, mà tôi xin dùng lại để
nói đến Nhà Vua quá cố của chúng ta. Đức Giám Mục viết:
"Tôi không biết linh mục
Lebbe có được phong thánh hay không; Hội thánh, với ơn Chúa Thánh Thần sẽ quyết định, nhưng tôi có thể nói điều nầy, là
suốt đời tôi, tôi đã tìm hiểu về các thánh, tôi biết rằng linh mục ấy có cốt cách
mà các thánh đã từng có".
Phụ chú
Độc giả hẳn lưu ý về vai trò và vị thế của Đức Maria
trong cuộc đời Nhà Vua - kể cả sự việc xảy ra ở Lộ Đức và cuộc đính hôn!
Để nắm được ý nghĩa trọn đầy của vai trò Đức Mẹ trong cuộc
sống đạo đức, tinh thần của Nhà Vua, cần đi sâu hơn nữa vào mầu nhiệm về các ơn
mà Nhà Vua đã nhận được. Muốn hiểu rõ hơn nữa sự kết ước với Mẹ Maria và Nhà
Vua trong suốt cuộc đời Ngài, có lẽ nên đọc thêm các trang sách nơi đề mục "Maria trong chương trình của Chúa"
của cuốn "Những bất ngờ đến từ Thiên
Chúa" (các trang 281-297 bản Pháp ngữ Les Impéivus de Dieu); các trang
sách nầy, tôi đã viết chung một phần với cô Veronica O'Brien,
và đã tham khảo, trao đổi với Nhà Vua trong nhiều năm qua nhiều lần gặp gỡ.
Tôi sẽ trở lại đề tài nầy trong một cuốn sách với chủ đề
tổng quát, sắp được xuất bản - như là di chúc tinh thần của tôi - với tựa đề "Kitô hữu trước ngưỡng cửa thời đại mới".
***
Tôi trích dẫn từ cuốn đó vài trang liên quan đến sự kết hợp
tích cực với Đức Maria:
Sự liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và Đức Maria đã được Đức
Thánh Cha Phaolô VI nêu lên nhiều lần, đặc biệt trong Công đồng Vatican II, ngài
đã tuyên bố rằng Đức Maria là Mẹ của Giáo hội.
Thật thế, tôi tin rằng cần phải nhấn mạnh mối liên hệ giữa
Chúa Thánh Thần và Đức Maria nếu người ta muốn trung thành và xác quyết nền tảng
của lời tuyên xưng Đức tin của chúng ta "Chúa
Kitô đã sinh ra từ Chúa Thánh Thần và từ Đức Maria". Không nên phân cách
điều Thiên Chúa đã kết hợp một cách mầu nhiệm, và đời đời.
Sùng kính Maria sẽ phục hoạt nơi nào mà sự sùng kính nầy đã
từng bị nao núng, nhưng lòng sùng kính đó sẽ được nối kết một cách bất phân ly
với Chúa Thánh Thần và được linh hoạt trong đường hướng nầy. Đức Maria bấy giờ
sẽ được nhận ra là kẻ đã nhận đầy ơn Thánh Thần, một ơn riêng dành cho Mẹ - ơn từ Chúa Thánh
Thần - như một kitô hữu đầu tiên, người mặc lấy Thánh Thần đầu tiên.
Để thấy rõ vị thế của Đức Maria ở trong "Cuộc canh tân của Chúa Thánh Thần"
mà Đức Phaolô VI [1] cổ súy, chúng ta cần ý thức về những dè dặt đặt từ phía
anh chị em Tin lành của chúng ta đối với Đức Maria. Một số lớn trong họ cho rằng
lập trường công giáo dường như không biết đến vai trò của Chúa Thánh Thần và,
vì thế, có thể làm tổn hại ý nghĩa của sự trung gian duy nhất của Chúa Kitô.
Có lẽ họ tin là chúng ta đã đặt để Đức Maria vào vị thế của
Chúa Thánh Thần, và việc đó làm trì trệ công cuộc đối thoại đại kết và cản trở
con đường tìm về hiệp nhất. Về mặt lịch sử, cần nhìn nhận rằng, Thánh-Mẫu-học của
Giáo hội La-tinh đã phát triển mạnh vào một thời mà Thánh-Thần-học suy thoái; sự
kiện đó có ảnh hưởng không ít đến sự cân bằng cần có của giáo thuyết.
Cần phải làm nổi bật ưu tiên tuyệt đối về Chúa Thánh Thần,
Đấng Thánh Hoá, trước khi nêu lên Đức Maria như là đấng được thánh hoá một cách
toàn mãn, là người con gái được tuyển chọn của Sion được Chúa Thánh Thần thăm
viếng, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, soi sáng từ bên trong, từ nơi tâm hồn có
một không hai của Mẹ. Tôi thấy thích thú khi nhận ra cùng một tư tưởng đó trong
một trang của Đức Hồng-y Danneels về Đức Mẹ hiện diện ở giữa các tông đồ
trong ngày lễ Hiện Xuống.
"Khi Chúa Thánh Thần xuống
trên Đức Maria lần thứ hai (sau biến cố truyền tin), Mẹ nhận một sự cưu mang mới,
một việc làm mới. Nay Mẹ ban sự sống cho Một Đức Kitô toàn diện, Mẹ trở nên Mẹ
của Giáo hội. Từ giây phút đó, tất cả các người tin được sinh ra từ nơi Mẹ
Maria là "bụng người mẹ" mang
Giáo hội. Mẹ cưu mang những người tin, Mẹ sinh ra họ, Mẹ dâng họ cho Con của Mẹ.
Maria mạc khải thực tại sâu xa
nhất của Giáo hội, vì Giáo hội trước tiên là Giáo hội liên kết với Mẹ Maria (église
Mariale). Hẳn nhiên, Giáo hội cần Phêrô với tác vụ của mình, cần Gioan với tình
yêu thương, cần Phaolô với luật của tự do và các đoàn sủng, cần Giacôbê với ý
thức về trật tự và lề luật, và còn cần nhiều kẻ khác.
Tuy nhiên trước những điều đó, Giáo hội cần đến
Maria; Mẹ muốn âm thầm và cầu nguyện; Mẹ là Hiền-thê chờ đợi Đức Lang-quân; Mẹ
là Mẹ, sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là người sẵn sàng, vững quyết trong lời nói
"Xin vâng" mãi mãi và
không điều kiện" [2].
Tôi đã
yêu cầu, và Công đồng đã nhắc lại nội dung của sự kết ước mang lại sự sống nầy
trong Hiến chế "Lumen Gentium"
(Ánh-sáng Muôn-dân) số 65 của bản văn.
"Do đó trong công cuộc tông đồ, Giáo hội có lý
để nhìn lên Đấng đã sinh ra Chúa Kitô là người đã được thụ thai bởi phép Chúa
Thánh Thần và được Đức Nữ Trinh sinh ra để, nhờ Giáo hội, cũng sinh ra và lớn lên
trong lòng các tín hữu".
Như lời
Đức Giám mục Philips, là người biên tập chính của hiến chế "Lumen Gentium" đã viết [3]:
"Maria là Mẹ Đức Kitô một cách vĩnh viễn. Ngài
là Mẹ Đức Kitô trong tất cả các chi thể của Ngài. Mẹ là Mẹ Chúa Kitô toàn diện.
Nơi tấm lòng rộng mở của Mẹ, Thiên Chúa chuyền sự sống của Ngài nơi con Ngài
cho toàn nhân loại.
Tất cả chúng ta được "tái sinh" trong Chúa
Giêsu, do Chúa Thánh Thần và do Đức Trinh Nữ Maria.
Với chức phận làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria
mật thiết đi vào tất cả sự sống của Giáo hội, đi vào tất cả công cuộc tông đồ,
là việc làm nhằm truyền sự sống của Chúa Giêsu cho trần thế. Chính Mẹ sinh ra
Chúa Giêsu Kitô trong tất cả các chi thể của Ngài cho đến ngày tận thế.
Ý tưởng nền tảng phát xuất từ thánh Augustinô: Sự
nhất thống của Chúa Kitô toàn diện, đầu và chi thể. Maria không những là Mẹ Chúa Kitô, nhưng cũng là của
các chi thể của Ngài; trong tình yêu của Mẹ, Mẹ đã cộng tác để sinh ra các chi
thể nầy. Do đó, có một sự tương đồng rất sâu xa, một sự liên tục kỳ bí giữa
Maria, Mẹ Chúa Kitô và Giáo hội, Mẹ các tín hữu.
Sự hiện diện nầy của Đức Maria ngay nơi Thiên chức
làm Mẹ nơi Giáo hội "mạc khải" cho tất cả các tông đồ trong Giáo hội
thấy được mầu nhiệm của công việc tông đồ của chính mình. Giáo hội làm gì nơi
trần thế, các tông đồ làm gì trong lòng Giáo hội, nếu không phải là để hoàn thành
mầu nhiệm của Mẹ Maria: "Mang Chúa Giêsu đến cho thế giới".
Cũng
trong tư tưởng thần học đó, Hồng-y Danneels viết rằng:
"Dưới con mắt của đức tin, việc truyền bá Tin
Mừng không thể giản lược thành một việc làm thuần nhân loại; rao giảng Tin Mừng,
còn hơn cả việc nêu lên cho thế giới biết về việc sinh đẻ. Song đó là đi vào sự
sinh đẻ của Maria.
Do đó, mọi công việc rao giảng Tin Mừng đều tham dự
theo cách riêng của mình vào mầu nhiệm của Maria.
"Thưa vâng" của Maria không thuộc về một
chuyện quá khứ. Nó tiếp tục cho đến khi Thân thể Đức Kitô đạt đến mức toàn mãn,
cho đến khi Thiên Chúa là "tất cả trong mọi người".
Đức Hồng
y Lubac diễn tả cùng một tư tưởng đó qua mấy chỗ nầy:
"Chức phận làm Mẹ của Đức Maria - đối với Đức
Kitô - nối kết nơi Mẹ một chức phận làm Mẹ của cuộc sống siêu nhiên đối với mọi
kitô hữu".
Từ Công
đồng, một tài liệu của giáo triều Roma rất đặc biệt về "Đức Maria trong việc đào tạo sự hiểu biết và cuộc sống siêu
nhiên" đã phát hành, do Thánh bộ Giáo dục Công giáo [4].
Sự "hiện diện với tư cách làm Mẹ"
của Đức Trinh Nữ trong hành trình của đức tin được nhấn mạnh, theo hai cái
nhìn của tư tưởng, một về mặt thần học, một thuộc phần mục vụ và cuộc sống siêu
nhiên. Đây là đoạn quan trọng đó:
"Đức Trinh Nữ, Đấng đã tích cực hiện diện
trong cuộc sống Giáo hội, nơi khởi nguyên của Giáo hội (Mầu nhiệm nhập thể), nơi
sự hình thành (mầu nhiệm của Cana và của Thánh giá) và nơi sự biểu lộ ra (mầu
nhiệm của Chúa ngày Hiện Xuống), thì Đấng đó là một "sự hiện diện linh hoạt"
suốt lịch sử của Giáo hội; Mẹ còn "ở ngay trung tâm của Giáo hội đang bước
đi", trong đó Mẹ thực hiện một tác năng đa diện: hợp tác để sinh ra những
tín hữu vào đời sống của ân sủng, nêu gương trong bước đường theo Chúa Kitô, làm "trung gian trong thân thế người mẹ".
Cử chỉ
mà Chúa Kitô phó thác người môn đệ cho Mẹ Ngài và phó thác Mẹ Ngài cho môn đệ (Gioan 19, 25-27) đã thiết lập một
tương quan rất chặt chẽ giữa Maria và Giáo hội.
Do ý của
Chúa, "dấu tích Maria" ghi
khắc trên khuôn mặt, bước đi và sinh hoạt mục vụ của Giáo hội; và trong cuộc sống
siêu nhiên của mỗi môn đệ đều có "chiều kích Maria".
Trong ý
toàn bản văn, Thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Thế) có thể được xem là
một thông điệp nói về sự "hiện diện
linh hoạt" của Đức Maria trong cuộc sống của Giáo hội: trong hành
trình đức tin, trong việc phụng thờ dâng lên Chúa, trong công cuộc truyền bá
Tin Mừng, trong nỗ lực thực hiện dần hồi sự sống của Chúa Kitô, trong nỗ lực đại
kết.
Đối với
kitô hữu, có lẽ ngại ngùng không muốn nêu rõ vai trò Đức Mẹ trong công cuộc rao
giảng Tin Mừng, ta chỉ có thể lặp lại lời của Thiên Chúa nói với Giuse: "Anh đừng sợ nhận Maria, Người được
sinh ra nơi Bà ấy là do Chúa Thánh Thần". Chúa Kitô tiếp tục sinh ra và
sống trong thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội, và việc đó hàm ngụ vai trò
duy nhất của Mẹ Maria.
Ngày
kia, tôi hỏi một nhà thần học nổi danh là
tại sao ngày nay quá nhiều kitô hữu đánh giá thấp hoặc quên đi vai trò của Đức
Mẹ ở bình diện nầy. Vị ấy đã trả lời thế nầy:
"Quá nhiều kitô hữu có khuynh hướng xem Kitô
giáo là một cái gì trừu tượng..., một loại chủ thuyết (isme); và các loại chủ
thuyết (ismes) và những hình ảnh trừu tượng thì không cần có mẹ".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét