Chương IX
Lời vĩnh biệt Phục sinh
Trong bầu khí phụng vụ phục sinh, đám tang của nhà vua
Baudouin do truyền hình Âu châu (Eurovision) chuyển đến từng triệu khán giả, đã
trở thành một thời điểm rao truyền Tin Mừng cao độ, có tầm vóc thế giới.
Hoàng hậu Fabiola, mặc tang phục màu trắng, mong ước rằng
buổi quốc táng nầy sẽ chuyển thành ngày vinh quang và hy vọng [1]; ngọn nến Phục sinh để đằng trước thi hài Nhà Vua; dàn
nhạc và ca đoàn đi kèm nghi lễ phụng vụ, hát lên sự chiến thắng của Sự sống và
niềm vui vượt trên sự chết. Tất cả phối hợp với nhau làm cho đám tang trở thành
duy nhất và không thể quên được.
Bài giảng của người kế vị tôi, Đức HồngY Danneels, phải được
đọc lại ở đây. Mỗi chữ trong ấy đều mang đầy ý nghĩa.
Bài giảng của Hồng y Danneels
Anh chị em trong đức tin,
Tất cả anh chị đến đây để tưởng
niệm Nhà Vua mà quí anh chị quí trọng.
Có những vị vua, còn hơn những
kẻ làm vua: họ là những mục tử của dân họ. Họ không phải chỉ trị vì, họ yêu, đến
mức hiến chính mạng sống mình. Đó là Vua Baudouin. Ngài yêu. Sáng suốt chính trị
của Ngài đâm rễ sâu trong tâm hồn. Khôn khéo cư xử của Ngài phát xuất từ nguồn
suối yêu thương của Ngài. Bí mật của những năm tháng trị vì của Ngài, đó là tâm
Ngài. Ngài giã từ chúng ta, một mình và âm thầm, như muốn nói với tâm tư chúng
ta: "tôi không muốn tạo cho quí anh chị quá nhiều phiền muộn".
Một vị Vua hợp lòng người
Đó là một vị Vua hợp lòng
người: Ngài yêu mến chúng ta, và chúng ta mến mộ Ngài. Cái chết của Ngài dấy lên
trong toàn xứ sở một nỗi xúc động sâu xa và lòng nhớ ơn vô tận. Cái chết đã đánh
thức cái gì quí giá nhất nơi mỗi tâm hồn chúng ta. Thật lạ lùng, tuần lễ tang nầy
đã làm cho tất thảy chúng ta thấy tốt lành hơn lên.
Đó là vị Vua hợp lòng người,
hợp với tâm hồn chúng ta. Con người kín đáo, âm thầm, luôn luôn mỉm cười, hết sức
tế nhị đó có một tâm hồn bao la như cát dọc bờ biển. Ngài ôm ấp trong lòng tất
cả niềm hân hoan và những khổ đau của xứ sở và dân Ngài. Con người đó mang lấy
nơi mình nhiệt tình, khả năng lắng nghe và thông cảm hiếm có.
Người ta nói Ngài là người
mơ màng, nhưng thái độ như mơ màng đó không gì khác hơn là sự thâm trầm tiềm ẩn
một nguồn vui, bừng cháy như ngọn lửa dưới tro tàn. Lửa tiềm ẩn đó ấp ủ nhiều tâm
tình hơn.
Vâng, như gương David, một
vị vua cao cả trong Kinh Thánh, Vua Baudouin là mục tử của dân Ngài. Ngài ưu ái
những người bé nhỏ, nghèo và bị xã hội lãng quên. Nhất là trong những tháng cuối
cùng vừa qua, Ngài đã đi tìm họ. Trong những lần kinh lý gần đây xuyên qua các
nẻo đường xứ sở, Ngài thường cùng với hoàng hậu sát cánh với những người dân thường
hoặc các trẻ em, cúi đầu, lắng nghe họ.
Ngài mỉm cười nghe và tiếp nhận những tâm sự của họ và giữ lấy trong lòng như Đức
Trinh Nữ Maria. Như Đức Mẹ, Ngài đã luôn nói tiếng "Xin vâng".
Có ai trong xứ nầy đã thường
nói "Xin vâng" như Nhà Vua không?
Và trong hoàn cảnh khổ đau như Ngài đã chịu không? Và nếu Vua phải nói
"không", thì chỉ nói không với điều ác. Phải chăng đó cũng là một lối
nói "Xin vâng" với điều thiện ?
Như một người mục tử tốt,
Ngài không phải chỉ biết nghe hoặc thông cảm: Ngài đã hiến cuộc đời cho dân Ngài.
Có những ngọn lửa đốt cháy để hoàn tất mọi việc: đức ái là một trong những ngọn
lửa đó. Nó đã hoàn tất cuộc đời Ngài. Ngài ra đi sớm quá. Nhưng như Thánh Kinh đã
viết: "Trong ít năm thôi, người ấy đã hoàn thành cuộc sống đầy tràn, trở
thành hoàn hảo trong một thời gian ngắn, đã lập được kỳ công" (Khôn ngoan 4, 13).
Nhà Vua đã chịu nhiều khổ đau.
Khổ đau bám sát ngay từ lúc thiếu thời và cả suốt đời Ngài, không bao giờ lìa
xa. Nhưng khổ đau đã làm cho Ngài già dặn, thay đổi Ngài, cho Ngài một khả năng
thông cảm lạ lùng. Nó nghiền tán lương tâm Ngài như người ta xay lúa, để làm nên
bánh tốt nuôi dân.
Nhưng nhờ vết thương của Ngài,
phải chăng Ngài đã chữa lành những vết thương của chúng ta? Nhờ những khổ đau của
Ngài, khung cảnh an bình của các cộng đồng trong xứ sở chúng ta đã không bao giờ
bị xáo trộn trầm trọng. Những thương tổn Ngài chịu đã không xích gần chúng ta lại
với nhau hay sao? Sự thinh lặng của Ngài đã không trấn an những lời nói hung bạo
của chúng ta hay sao? Những cuộc nói chuyện, những lần Ngài kiên nhẫn lắng nghe
đã không làm cho những người mà xã hội hầu như
quên lãng đến gần lại chúng ta hay sao?
Phải chăng là nhờ chính sự
hiện diện kín đáo và "lòng bác ái chính trị" của Ngài mà nước Bỉ đã
qua được một khúc quanh lịch sử của mình, đó là bước sang hình thái liên bang một
cách an bình và tôn trọng dân chủ, như Nhà Vua đã hãnh diện nhắc đến việc nầy
trong sứ điệp ngày 21 tháng 7 vừa qua? Nhà Vua đã chịu đau khổ. Ngài đã từng nói:
"Làm vua là phục vụ chân lý và chịu khổ đau cho dân mình".
Đặc biệt Nhà Vua là mẫu mực
Mục tử nầy cho dân mình. Ngài nêu gương về một lương tâm thanh cao, nhạy bén, hết
sức tế nhị, tuân phục những mệnh lệnh đạo đức và siêu nhiên, dù thật nhỏ nhoi. Đối
với Ngài, lương tâm là tuyệt đối: đó là tiếng nói của chiều sâu con người và là
tiếng nói của Thiên Chúa. Ngài luôn luôn tuân phục lương tâm, dù làm điều đó có
thể hệ lụy cho chính quyền lợi riêng của Ngài, cho vương quyền của Ngài. Sự sống
con người, theo Ngài nghĩ, phải được trả với giá nầy.
Người ta nói Ngài quá bén
nhạy về mặt luân lý, đạo đức. Xuyên qua lời nhận xét có ý như chỉ trích nầy, Ngài
xem đó như là một lời ca ngợi. Nếu người ta cho rằng bảo vệ các giá trị cao cả
của văn minh Tây phương và ngay cả có tính cách phổ quát, cổ súy nếp sống gia đình,
ưu tiên lo lắng cho những người không có công ăn việc làm, những kẻ bị xã hội
ruồng rẫy, những kẻ thiếu thốn, đề cao nhân quyền, trật tự quốc tế, là quá đạo đức
luân lý, thì tất cả chúng ta không phải có bổn phận trở nên "qúa đạo đức luân lý" theo
gương Ngài hay sao?
Con người đầy yêu thương đó,
đúng là mẫu mực nơi cuộc sống vợ chồng và gia thất của Ngài.
Với hoàng-hậu, Ngài đã để lại cho chúng ta gia sản quý giá
nhất . Vượt lên trên cái chết đang tạm chia lìa họ, trong cuộc sống vợ chồng,
gia thất, Nhà Vua và hoàng-hậu thật sự có quyền nói với chúng ta rằng: "Chúng
tôi van xin anh chị em, hãy noi theo gương sống của chúng tôi" (I Cor 4, 16).
Nhà Vua đã không nói như thế
nầy sao: "Ai muốn tạo sự thống nhất trong xứ sở mình, thì phải thực hiện sự
thống nhất đó ngay trong cuộc sống vợ chồng và gia đình mình" . Thật vậy,
hai ngôi nhà nầy được xây lên bằng cùng một loại xi măng, đó là tình yêu.
Một vị Vua theo ý Thiên Chúa
Nếu Ngài là vị vua hợp lòng
người - hợp với lòng chúng ta - thì Ngài cũng là vị Vua theo tâm ý của Thiên Chúa.
Tương lai hẳn có nhiều người đúc kết lại cuộc đời Ngài, viết lại lịch sử của
triều đại Ngài. Nhưng người ta có khám phá ra được "bí mật của Nhà
Vua" hay không? Bởi Ngài có bí mật của Ngài: đó là Thiên Chúa của Ngài, Đấng
mà Ngài yêu mến đến điên dại và Đấng yêu thương Ngài vô ngần.
Dưới bóng rợp của các sinh
hoạt công cộng và chính trị có một nguồn suối yên lặng và ẩn kín chảy tràn: đó
là cuộc sống của Ngài trong Thiên Chúa. Cầu nguyện, Thánh lễ mỗi ngày, đọc Phúc
Âm, tình yêu đối với Đức Trinh Nữ Maria, bằng thống hối: đấy là những nguồn suối
ẩn kín đổ đầy dòng sông của đời Ngài. Khi phục vụ con người, Ngài không ngừng
nghĩ đến Thiên Chúa.
Trong mỗi khuôn mặt người đối
diện với Ngài, Ngài nhận ra khuôn mặt Chúa Kitô. Một ngày nào đó chắc bí mật nầy,
mầu nhiệm nầy của Vua Baudouin sẽ được tỏ bày. Tôi hy vọng như thế. Bấy giờ toàn
thế giới sẽ lấy tay bịt miệng vì kinh ngạc. Như người đội trưởng dưới chân Thánh
giá, người ta sẽ nói lên rằng: "Người nầy thật đúng là một kẻ công
chính" (Lc 23, 47).
Nhà Vua không bao giờ dấu
diếm về đức tin của Ngài. Nhưng Ngài cũng không bao giờ huênh hoang một cách không
đúng chỗ, nhằm tránh cho những người không chia sẻ đức tin của Ngài khó chịu.
Tinh thần ngay thẳng, phán đoán khách quan của Ngài, sự tôn trọng thành khẩn những
gì là tốt, có giá trị, gần với con người, chính đáng và hữu ích đã làm cho mọi
người mến mộ. Vì Ngài biết rằng đức tin là một ơn ích nhằm phục vụ con người chứ
không phải là một vũ khí để đề cao giá trị của mình.
Phúc cho dân tộc đã có một vị Vua như thế...
Kính thưa Ngài,
Chúng tôi nhớ Ngài lắm! Chúng
tôi sẽ thấy vô cùng cô đơn, nếu chúng tôi
không biết được rằng, nay thay vì
một vị Vua, Chúa đã cho chúng tôi một "người trung gian cầu bầu" cho
nước Bỉ. Ngài đã từng cầu nguyện thật lâu trong ngôi nhà nguyện nhỏ của Ngài ở điện
Laeken, nay Ngài lại ở trước ngai của Con Chiên. Ngài đã không thay đổi nghề
nghiệp, nhưng chỉ thay đổi chỗ ở mà thôi. Ngài đã cầu nguyện suốt đời Ngài, nay
xin tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi.
Ngài thân mến,
Nhờ đức tin, chúng tôi biết
Ngài sống. Chúng tôi đang thắp sáng cây nến phục sinh, cạnh Ngài. Nếu lòng tin
của chúng tôi ngập tràn bởi ánh sáng phục sinh thì làm sao chúng tôi có thể đắp
lên thân xác chúng tôi những màu tang chế?
Chúng tôi đã mất một vị
Vua. Thiên Chúa đã cho chúng tôi lại một đấng cầu bầu và nâng đỡ. Phúc thay cho
dân tộc đã nhận một vị Vua như thế làm người dẫn dắt mình khi Ngài còn sinh tiền,
và một thiên thần như thế để chăm sóc lo lắng cho mình khi Ngài đã khuất.
Cám ơn Ngài, cám ơn Vua
Baudouin thân ái. Chúng tôi cám ơn Ngài và chúng tôi xin Ngài một điều cuối cùng
mà Ngài sẽ không từ chối: xin cầu nguyện cho chúng tôi!
[1] Tạp chí Prier của Pháp viết: "Fabiola đã đưa từng triệu khán thính
giả truyền hình vào chính tâm điểm của mầu nhiệm đức tin của chúng ta".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét