Chương X
Những lời chứng hùng hồn
Giới nghệ sĩ
Maurice Béjart, trước đây đã đề tặng Vua Baudouin một
vũ khúc, khi được hỏi cảm nghĩ của ông đối với Nhà Vua, ông trả lời:
"Đó là một con người rất
trung thực. Không có mấy ai còn giữ được phong cách "hết sức con người",
khi ở vào một địa vị cao như thế. Ta thấy có người gỗ, người máy, người đầy
tham vọng... Nhưng con người cho ra người, thật rất hiếm. Trong giới những nhà
lãnh đạo và những nhân vật cao cấp mà nghề nghiệp của tôi cho phép tôi gần gũi,
tôi chưa bao giờ gặp một người còn giữ được những nét hồn nhiên, đầy nhân tính
và thâm trầm sâu xa như Ngài. Đấy là một con người rất họa hiếm và nước Bỉ rất
may mắn có một vị Vua như người nầy".
Một con người làm cho kẻ khác hiện hữu
Nhân dịp lễ mừng 40 năm trị vì của Nhà Vua, một bài viết
diễn tả sơ lược những nét đặc biệt về cuộc đời Ngài làm tôi lưu ý. Bài báo tựa đề:
"Một con người làm cho kẻ khác hiện
hữu" [1] tác giả là Georges Rémion, Tổng thư ký Liên đoàn Công
giáo các cơ quan cứu trợ xã hội:
"Bất kỳ ai, người dân
thường hay giới hữu trách cao cấp, trẻ hay già, khuyết tật hay mạnh khoẻ, ông
hay bà ở giữa chúng ta mà đã có dịp được gặp Nhà Vua, đều lưu ý đặc biệt đến khả năng ân cần tích cực
lắng nghe của Ngài.
Cả con người nhà Vua, cử chỉ, cái nhìn, những
cách diễn tả của khuôn mặt, các câu hỏi, và các thái độ của Ngài..., tất cả đều
hướng về ông hay bà mà Ngài đang đối diện. Ngài chỉ biết "đi đến với người
khác" và "mãi hướng đến kẻ khác"!
Phong cách Vua tiếp xúc với
người đối diện, biểu lộ một cảm thức tinh tế và lòng kính trọng đến mức những
người nầy tức khắc "thấy thoải mái", theo nghĩa là "được gặp"
hay được "hỏi đến" chính thân phận của họ...và người đối diện, nếu đang
gặp khổ đau thể xác hay tinh thần, thì bấy giờ lại càng được Nhà Vua hết sức lo
lắng đến mình...; một sự lo lắng đem đến cho kẻ khác sức mạnh của sự sống; người
ấy như nghe Vua nói với mình: "Tôi hiểu và tôi chia sẻ với anh".
Những kỷ niệm gặp gỡ, thăm
viếng hay trò chuyện dồn dập hiện ra trong đầu óc tôi. Nhưng tôi muốn nhắc lại đây
một cuộc thăm viếng riêng tư của Nhà Vua: Ngài làm cho chúng tôi bỡ ngỡ khi
theo tôi đến một "quán ăn từ thiện", le Snijboontje, ở Molenbeek.
Bước vào quán, Ngài đến chào
những người điều hành ở đó (họ chưng hững), sau đó đi một mạch xuống nhà bếp, nơi
mấy bà "bếp thiện nguyện" đang âm thầm mải miết xào nấu.
Tiếp đó, Ngài đến ngồi cạnh
bàn mỗi người, kiên nhẫn, ân cần gặp từng người một, một người thanh niên bơ vơ,
một người tị nạn, một bà mẹ gia đình, một bà lão, một người thất nghiệp...và bấy
giờ Ngài không còn để ý cái gì khác nữa ngoài người mà Ngài đang đối diện, tiếp
đón với cả con người của họ, một cách chân tình và thân mật...!
Nhưng khả năng gặp gỡ kẻ khác
còn đi xa hơn nữa. Nhà Vua gặp, hỏi han, lắng nghe rất nhiều người. Nhiều ông bà
qua công việc của mình có dịp gặp gỡ Ngài, như tôi, sau một vài trao đổi ngắn
ngủi, đều có ngay ấn tượng (và từ ấn tượng đó mà tôi dặt tựa đề cho Ngài bài báo
nầy) rằng: Khi đối diện với Nhà Vua, một mình với Ngài, những tước hiệu, mặt nạ
và hộ tịch bên ngoài của chúng ta rơi xuống, và ta tức khắc nhận ra người thật
của mình - từ suy tư của ta đến ngay cả những thắc mắc, khả năng hiểu biết mọi
cái xuất lộ ra đều nói lên ước mơ và tâm tình chân thực nhất của ta. Gặp gỡ một
con người như thế - đúng là làm cho mình hiện hữu, sống thật con người mình, đi
ra khỏi con người đóng kín của mình.
Bên trên sự tế nhị và ân cần
của Nhà Vua đối với mọi người xuyên qua một ngàn lẻ một chi tiết khác nhau (hoàng
hậu và những người thân cận Nhà Vua mỗi ngày chắc sẽ không phủ nhận nhận xét nầy),
còn có một phẩm chất cư xử đặc biệt,
ngay thẳng, trong sáng, có sự kêu gọi và thúc bách người đối diện ý thức về
chính con người thật của họ, nói lên điều cần thiết và quan trọng mà họ cưu
mang, ấp ủ trong lòng.
Nhưng còn hơn thế nữa. Và
phải nói ra để xóa đi những hình ảnh hời hợt mà người ta giữ mãi trong đầu và còn
truyền miệng nhau, về một Nhà Vua rụt rè, "dễ chịu", "nhẹ nhàng
không mất lòng ai", ẩn nhẫn, nghĩa là hình ảnh một Nhà Vua thiệt thà
"sùng đạo như các dì phước", không dám đương đầu với thế sự. Thực ra,
nét dịu dàng và trong sáng đó nơi Ngài biểu lộ một tâm hồn uy dũng (chỉ những kẻ
uy dũng thực sự mới có thể hiền lành; và những kẻ không có cuộc sống cân bằng và
vững chắc, an bình trong tâm hồn như Nhà Vua, thì mới cần đến những cử chỉ đề
phòng, biện minh và che đậy. Họ sử dụng đủ thứ các phù hiệu và các phương thế
quyền lực của họ có để rồi trở nên chai đá, gây gỗ, ngờ vực và còn tệ hơn thế nữa
- như lịch sử đã cho thấy quá nhiều người như thế).
Một đức tính thứ hai đi ngược
lại hình ảnh cố hữu về một vị Vua "hiền một cục", đó là sự hiểu biết
sắc bén của Ngài về con người, về sự vật, về các biến chuyển thời sự cũng như lịch
sử; không những Ngài biết một cách thấu đáo các sự kiện hoặc các đề tài mà người
đối diện nêu lên, mà cái nhìn tinh tế của Ngài về sự việc làm ta ngỡ ngàng. Khi
đặt vấn đề nào, Ngài đi ngay vào điểm thiết yếu, không quanh co, nêu lên điểm
phải thảo luận một cách rõ ràng, trong khuôn khổ cần thiết.
Năm 1937, Teilhard de
Chardin cho xuất bản trong tập san "études" một biên khảo với tựa đề:
" Hãy cứu nhân loại", và nêu lên ba thành tố thiết yếu của "nỗ lực
con người": "Hướng về tương lai, hướng đến phổ quát và đi sâu vào nhân
vị".
Ba mươi năm sau, Tổng-thống
Senghor, con người am tường tư tưởng của Teilhard de Chardin, khi lên tiếng với
các sinh viên sắp đi vào đời sống xã hội, đã lấy lại nội dung nầy để khuyên họ:
"Cần phải nhìn xa, nhìn rộng và nhìn sâu"
Sự hiểu biết của Nhà Vua về
sự việc, về con người, ngoài lòng nhân hậu sẵn có, còn là sự hiểu biết của kẻ
nhìn thấy "xa, rộng và sâu". Nên Ngài nhẹ nhàng "thúc đẩy"
kẻ khác suy tư một cách thành thực và có trách nhiệm. Phải thành thực, biết rõ
sự việc và biết lo cho công ích...thì mới tiếp cận nổi cái nhìn của Ngài.
Đức tính thứ ba. Nhà Vua là
một con người theo đúng nghĩa của nó. Người ta đều biết cái đam mê tìm hiểu
khoa học, yêu thiên nhiên, đi sâu vào tất cả các đề tài, các lãnh vực, nghệ thuật,
các nền văn hoá của Vua. Ngài là con người đúng nghĩa vì không phải Ông Vua vô
tình, xa cách như các vị vua chúa trong lịch sử. Những kẻ có dịp gặp Ngài đều
chứng nghiệm đức tính đó; người ta tiếp xúc được với một con người chân thật biết
thế nào là đau khổ, thế nào là cô đơn, am tường tâm lý và tâm hồn của kẻ khác.
Và những điều đó đã làm cho
tôi, suốt 20 năm có dịp tiếp xúc làm việc chung với những nhân vật hữu trách
trong chính giới, phải nhận rằng, chúng ta không có một vị vua như một kẻ đầy
quyền lực theo nghĩa mà tôi đã có dịp nêu lên trên đây, nhưng là một con người,
một "hiền sĩ" tạo uy quyền...uy quyền theo nghĩa thâm thúy, cao cả và
đầy đủ nhất, chứ không phải theo nghĩa méo mó của chữ nầy.
Và chúng ta giờ đây hầu như
tiếp cận với bản tính thứ hai của Ngài, và đó đã và mãi là mục tiêu, nỗi lo lắng
ưu tiên của Ngài, tức là sự an lạc của xứ sở chúng ta và của "tất cả"
người dân của Ngài. Thật thế, nơi Ngài, chúng ta gặp một con người "tự
do" từ bên trong; người ta có thể nghĩ thế nào mặc lòng khi chưa tiếp cận
Ngài, nhưng thật sự Ngài tuyệt đối không bị lệ thuộc gò bó vào chức phận của mình...không bị lệ thuộc về bất cứ việc gì
hay bất cứ ai; Ngài càng "tự do" vì nền tảng tạo ý nghĩa cho đời Ngài
rất đơn sơ và vững chắc, vì các chọn lựa và ưu tiên của Ngài rất trong sáng. Không
có sự tự do bên trong và một lương tâm trong sáng như thế thì làm sao cách đây
mấy tháng Ngài có thể từng đạt được một sứ điệp đầy uy dũng như thế. Linh mục
Varillon từng viết "Tự do không phải là làm điều mình muốn, nhưng là muốn điều
mình làm". Đó là trường hợp Nhà Vua của chúng ta.
Vì thế, điều tôi cảm nhận được
nơi Ngài và chia sẻ một cách thâm tín với tất cả mọi người, đó là sự tận tâm, tận
lực của Ngài nhằm phục vụ xứ sở chúng ta và tất cả công dân của Ngài. Nhà Vua
chúng ta tự đồng hoá với xứ sở mà Ngài làm cho nó"sống", và Ngài hiểu
biết xứ sở đó hơn bất cứ ai trong chúng ta đã từng dám nói rằng mình biết: từ lịch
sử, văn hoá, bản sắc, dân cư, tài nguyên, khả năng và giới hạn của xứ sở nầy.
Nhưng tôi thật sự thiếu sót
nếu không nêu lên hai khía cạnh cuộc đời Nhà Vua, từng làm tôi cảm kích; và
theo tôi những khía cạnh đó giải thích phần nào những đức tính vừa kể. Nếu Nhà
Vua của chúng ta sống được như thế, một phần vì có Hoàng-hậu, và một phần vì Ngài
cùng Hoàng hậu thực hiện đời sống vợ chồng một cách cao đẹp phong phú.
Cuộc sống đó là bài ca ngợi
tuyệt vời.
Nếu Nhà Vua chúng ta sống được
như thế, thiết yếu là vì trong cuộc sống âm thầm và thân mật vợ chồng Ngài đã cùng
với Hoàng hậu bám rễ nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn suối của tất cả mầm sống,
của tất cả tình yêu thương sáng tạo, của tất cả sinh hoạt cuộc đời, của tự do
tràn đầy.
Nhưng họ không nói ra điều
này, thực ra cũng chẳng cần phải nói lên bằng lời, trừ khi họ biết rõ các lựa
chọn và niềm tin của những kẻ họ tiếp xúc...bấy giờ thì lại khác !
Ôi, còn biết bao nhiêu điều
để nói, và còn có thể nêu lên biết bao nhiêu đức tính nữa...Nhưng tôi không thể
nêu hết. Những giòng chữ nầy tạm đủ, và chỉ mong là một nhân chứng. Và nhân chứng
nầy, đọc giả rồi ra sẽ hiểu, không phải là nhân chứng của một người chỉ đọc qua
các "hình ảnh và những gì người ta thấy và kể lại", hoặc muốn nói lên
như mọi người lời ca tụng vì những gì hay đẹp của một kẻ mà tất cả chúng ta đều
thương mến...thật sự. Song là một nhân chứng thật và hết sức đơn sơ của một người
công dân đã từng có đặc ân được làm việc trực tiếp hơn với Nhà Vua trong tổ chức
mà Ngài muốn có và mang tên Ngài...; và
người công dân đó nhớ lại rằng mình đã gặp một con người, một con người làm cho
kẻ khác "hiện hữu".
Những nhân chứng cảm động và
bất ngờ
Qua dịp tang lễ Nhà Vua, tất cả chúng ta đã chứng kiến
một cao điểm, cụ thể gợi lại hình ảnh của Nhà Vua đã từng gần gũi những khổ đau
của con người và đã thực thi cuộc đời làm "nghề
vua" của mình với một tâm tình huynh đệ.
Người ta đã nghe một phụ nữ, bà Paula D'Hondt, quốc vụ
khanh và là cựu khâm sai đặc trách về di dân, nhắc lại một vị Vua đối xử đầy
tình người với tất cả mọi người:
"...Thúc đẩy bởi tinh
thần mang lại sự sống, Ngài đi đến những con người bị treo lên Thánh giá, tất cả
những người cần được tôn trọng: những kẻ bất hạnh, những kẻ cô đơn, những kẻ không
nhà, những đồng bào di dân ".
Bà còn gợi lại lời kêu gọi của Ngài để thực thi một
chính sách cứng rắn chống lại việc mại dâm đối với phụ nữ...
Và chúng ta hẳn phải ngạc nhiên, khi nghe một nạn nhân
của việc buôn bán con người nói lên lời "cám
ơn". Người phụ nữ gốc Phi Luật Tân kết thúc lời chào vĩnh biệt Ngài bằng
những lời nầy [2]:
"Năm ngoái, Nhà Vua đến
thăm chúng tôi tại Anvers. Năm chị em chúng tôi ở đấy. Chúng tôi lại khóc, nhưng
nay là khóc vì chuyện khác. Nhà Vua nắm lấy cánh tay tôi. Ngài lắng nghe tôi.
Chỉ có Ngài để chúng tôi kể lể. Ngài xúc động...
Nhà Vua chống lại việc buôn
bán mãi dâm quốc tế nầy. Ngài đấu tranh cho chúng tôi. Đó là một vị Vua thật sự.
Tôi gọi Ngài là bạn tôi. Bây giờ chúng tôi lại khóc. Chúng tôi đã mất người bạn
chúng tôi".
Tiếng vọng từ
một nhà tù
Với sự đồng ý của Hoàng hậu, tôi muốn ghi thêm ở đây bức
thư của một vị tuyên úy nhà tù gửi cho Bà[3]. Bức thư tiếp nối âm vọng của những gì mà tất cả chúng
ta đã chứng nghiệm ở nhà thờ chính toà. Bức thư và tái bút diễn tả rất nhiều
chuyện.
Kính Hoàng-hậu,
Mặc dù hết sức xúc động về
sự ra đi quá đột ngột của Nhà Vua Baudouin của chúng ta, tôi không có ý định viết
thư cho Bà, nghĩ rằng Bà đã bị tràn ngập với số lượng các thiệp tang và những lời
chia buồn. Tôi đã hiệp ý với Bà một cách âm thầm qua Thánh lễ và cùng với Bà, dâng
hiến sự sống của chồng Bà được kết nối một cách nhiệm mầu với sự sống khiêm nhường
và phó dâng của Chúa Kitô phục sinh.
Tuy vậy, vào cuối tuần lễ
tang, tôi cảm thấy cần chia sẻ với Bà những giòng chữ đơn sơ nầy. Tôi làm tuyên
úy tại nhà tù Lantin, phục vụ những người đã bị kết án nặng nhất, những con người
bị ruồng rẫy hơn cả của xứ chúng ta, và tôi muốn được nói thêm một lần nữa với
Bà, nếu cần, về thực tế đáng lưu ý nầy: Vua Baudouin và chính Bà, hai vị đã
chinh phục được sự quí mến của những con người nhỏ bé và nhục nhằn nhất của Vương
quốc chúng ta. Tôi biết rõ, họ là nỗi quan tâm đặc biệt của hai vị.
Tôi xin được kể lại một sự
việc nhỏ nầy, nói lên một cách rõ rệt hơn cả về nỗi xúc động đã xuyên qua bức tường
xám của khối bê-tông nhà tù của chúng tôi, khi nghe tin Nhà Vua của chúng ta tạ
thế.
Đó là sự việc liên quan đến
một người tù chung thân. Từ nhiều năm nay, ông ta lạnh lùng đóng kín, tâm hồn
ngột ngạt vì những uất hận do thất bại và bị ruồng rẫy liên tục. Kinh nghiệm hằng
ngày cho tôi thấy thật khó mà nói gì được với tâm hồn bị thương tổn quá nhiều
như thế. Sáng ngày đầu tháng 8, khi nghe tin buồn từ Motril, ông ta khóc sướt mướt.
Ông ta tâm sự: "Đây là lần đầu tiên tôi khóc về những năm tháng ở tù nầy.
Tôi thấy đảo lộn mọi sự trong tôi... Thế thì, tôi còn thay đổi được sao? Nhà
Vua, ít nhất còn có Ngài, đã không từ rãy chúng tôi! Rồi tôi cứ nghĩ buồn đến nỗi
buồn của Hoàng-hậu...". Bình minh của ngày Phục sinh lại sáng lên trong cuộc
đời ông xuyên qua kẻ hở từ biến cố nầy.
Mỗi một thánh lễ trong tuần
tang nầy tại nhà tù, các tù nhân đến đông, nhiều ánh mắt long lanh vì xúc động.
Họ cầu nguyện cho Bà và với Bà, thưa Hoàng-hậu. Ngày tang lễ Nhà Vua chúng ta,
các tù nhân đã theo dõi thánh lễ với tâm hồn đầy ngạc nhiên, có người nghe qua
máy truyền thanh, người khác qua truyền hình.
Một anh thanh niên nói với
tôi: "Không có gì mất luôn cả, không bao giờ...?" Những kẻ nghèo hèn
nhất đã nói lên lời cuối nầy để vĩnh biệt Nhà Vua chúng ta, hẹn gặp Nhà Vua nơi
Thiên Chúa. Tôi ý thức rằng nhờ hai vị mà chúng tôi tiếp nhận được sức sống của
Phúc Âm.
Kính thưa Hoàng-hậu,
Lấy gì để cám ơn đây? Lòng
can đảm của Bà trước thử thách là tia sáng nơi nhà tù tối tăm của chúng tôi.
Bên trong nhà tù, mỗi chiều
thứ ba, một nhóm người thuộc nhiều thành phần, nhiều tôn giáo khác nhau tập họp
thành một cộng đồng cầu nguyện và chia sẻ. Chúng tôi đặt tên cho cộng đồng nầy
là "hang toại đạo" nơi phòng nhỏ ở tầng dưới đất nhà tù, chúng tôi đã
yên lặng và suy gẫm về tấm gương tình yêu thương của Bà đối với Vua Baudouin, vượt
lên khổ đau của sự chết với một niềm tin cậy và khiêm tốn. Các anh em tù nhân của
cộng đồng nhỏ hang toại đạo nầy đã cảm nhận được sứ điệp nơi cuộc sống đức tin
của Bà, nên yêu cầu chúng tôi chuyển đến Bà lời trần tình đơn sơ mà tôi gửi kèm
theo bức thư nầy. Cám ơn Bà đã tiếp nhận lời nhắn gửi mộc mạc đầy chân tình đó.
Tôi xin nói thêm điều nầy:
Vâng theo gợi ý của Đức Hồng-y của chúng ta, từ nay tôi phó thác cuộc đời linh
mục phục vụ cộng đồng của những người bị bỏ rơi tại nhà tù cho Nhà Vua Baudouin
của chúng ta cầu bầu. Ngài về trời, Ngài hẳn không quên những đứa con nhỏ bé nhất
của Vương quốc Ngài.
Kính Hoàng-hậu,
Tôi luôn âm thầm hiệp thông
lời cầu nguyện với Bà nhờ mầu nhiệm thân thể của Đấng Sống Lại mà chúng ta đều
dự phần.
Kính gửi đến Hoàng-hậu lòng
biết ơn sâu xa và lòng kính trọng của tôi. Xin Chúa ban cho Bà an bình và can đảm.
Chúng tôi còn cần đến Hoàng-hậu Fabiola của chúng tôi.
Philippe Landenne, S.J.
Tái bút:
Toàn thể gia đình tôi còn nhớ đến
cử chỉ hết sức ân cần của Nhà Vua khi Ngài đến thăm mẹ chúng tôi lúc mẹ chúng tôi
còn nằm ở bệnh viện Saint-Luc vào tháng 7. 1980. Ngày đó, em tôi làm lễ thành hôn,
và mẹ tôi lúc bấy giờ liệt giường vì bệnh ung thư, đã không rời bệnh viện để
tham dự cuộc lễ được.
Biết được tình cảnh đau khổ nầy,
Nhà Vua ái ngại cho cuộc lễ hôn phối của em trai tôi và đã chọn ngay lúc ấy để đến
thăm, an ủi mẹ tôi tại giừờng bệnh. Nhờ lời Ngài thăm hỏi, Nhà Vua đã đem lại
niềm hân hoan tuyệt vời cho mẹ tôi trong ngày đầy thử thách đó.
Chứng nhân của giới trẻ
Một người cháu gái của Hoàng hậu, 15 tuổi đã viết:
Kính gửi Dượng,
Tại sao con vừa như tràn đầy lại
vừa thấy thiếu vắng thế nầy? Tại sao con muốn yêu thương và lại muốn được yêu
thương? Tại sao con lại muốn được như Dượng?
Vì Dượng làm cho người ta thấy
họ quan trọng, vì người không có gì cũng trở thành người được quan tâm hơn cả
khi họ gần Dượng, người nghèo nhất trở thành người giàu có nhất và người xấu nhất
trở thành kẻ đẹp nhất.
Tại sao Dượng phó thác mọi sự
cho Chúa và ngày ngày chuẩn bị? Tại sao Dượng sắp sẵn hành trang và hành trang
của Dượng mỗi ngày mỗi đầy? Tại sao Dượng rộng lòng mở ra với Chúa Giêsu, với Đức
Trinh Nữ và với tất cả mọi người?
Dượng hãy chỉ cho con giống Dượng
trong các việc nầy, bắt chước Dượng bước đi trên con đường thánh thiện. Tại sao
nụ cười, cái nhìn, cái hôn... tất cả nơi Dượng đều tràn đầy yêu thương... Tại
sao Dượng có một tình yêu phong phú để phân phát quá sức nhiều như vậy?
Đôi khi, con không thể nào chấp
nhận được là tại sao Dượng đành bỏ đi, bởi vì Dượng như ở đâu thật qúa xa, nhưng
cũng như hết sức gần với chúng con, bởi vì từ trên trời, Dượng chăm sóc chúng
con, cuộc sống chúng con làm Dượng vui hoặc làm Dượng khó chịu, và vì thế chúng
con thấy Dượng ở gần một bên.
Mỗi ngày, con lại càng thấy khó
chấp nhận việc Dượng bỏ đi, vì con dường như thấy lúc nào Dượng cũng hiện ra, mặc
quần sọc thể thao, áo Anorak đỏ, đi xăng-đan; Dượng cười và mắt hí lại. Bởi vì
dường như chúng con thấy Dượng nắm tay cô con đi dạo, và có cả con chó Tobic chạy
theo sau như mỗi khi.
Tại sao Dượng dạy vẽ cho chúng
con lắm điều? Và thường chúng con cứ nghĩ là chúng con chưa tận dụng hết thời
gian có mặt Dượng!
Và, dù bây giờ con nhớ Dượng lắm,
nhưng con biết Dượng đang vui vẻ ở gần Chúa Giêsu, thật sự ở cạnh Chúa, và chắc
chắn là Dượng chiếm một chỗ rất quan trọng trên trời, quan trọng hơn địa vị của
Dượng ở dưới đất nữa; và việc đó quan trọng hết sức đó Dượng!
Vì, chỉ nhìn Dượng thôi, thì
con thấy Dượng thương con và con được bảo vệ bởi nụ cười đầy âu yếm của Dượng.
Chúng con sẽ chịu đựng nỗi khổ? Con hy vọng được. Nhưng chúng con sẽ quên Dượng
được không? Không bao giờ. Làm sao quên được một người như Dượng? Một người mà
chúng con yêu mến quá sức, và Dượng cũng yêu mến chúng con vô cùng.
Và bây giờ, Tio [4], cám ơn Dượng! Cám ơn đã để lại
cho chúng con gương sáng của Dượng để chúng con bắt chước; và vì vậy, xin Dượng
cho chúng con một ít nguồn sức mạnh đầy tràn mà Dượng đã có để bước theo con đường
nên thánh, con đường mà Dượng đã đi qua. Xin ngăn can chúng con đừng lạc lối, nếu
có bề nào, xin ra dấu để chúng con có thể trở lại mục tiêu. Và đến đó, chúng ta
sẽ gặp nhau lại.
Con nhớ lắm, nhưng con thấy Dượng
gần con lúc nầy hơn bao giờ hết. Con thương Dượng.
Dấu tích ghi lại trong
tập kỷ yếu bảo tàng viện của hoàng gia
Ngày 21 tháng 7 vừa qua, Vua
Baudouin kêu gọi nam nữ con dân trong xứ sở chúng ta thực thi một hình thức mới
về nghĩa vụ công dân. Bấy giờ không ai nghĩ là Ngài gửi đến chúng ta sứ điệp cuối
cùng của Ngài. Nay Ngài đã đi vào lịch sử.
Lời kêu gọi cuối cùng của Ngài
đúng theo đường lối của một vị quân vương, trong 42 năm trị vì, đã luôn luôn biết
thích ứng với bước tiến hoá của các định chế cũng như của các trào lưu tư tưởng,
nhưng không hề đi trật bước ra ngoài, về những gì thật thiết yếu.
Mọi người đều chân nhận rằng mục
đích duy nhất của cuộc đời Ngài là lợi ích của xứ sở: Có lẽ Ngài đã thành khẩn
hơn bất cứ vị vua tiền nhiệm nào để củng cố uy tín của vương quốc trong cuộc sống
của đồng bào chúng ta.
Thành công của Ngài hẳn được đo
lường từ những thử thách thời còn niên thiếu và những khó khăn trong thời kỳ
ban đầu của triều đại Ngài: Hoàng tử lên ngôi vào lúc 20 tuổi, nhưng chưa đến 5
tuổi thì đã mất mẹ; năm năm sau, Ngài chứng kiến cảnh quê hương bị xâm lược và
sự rã tan của quân đội do cha Ngài chỉ huy - do bộ máy chiến tranh oan nghiệt
Quốc xã. Ngài bị bắt giữ bên cạnh cha Ngài trong năm năm nữa, và chỉ được thả tự
do để cùng đi lưu đày biệt xứ với cha. Cuối cùng khi trở về lại xứ, vào lứa tuổi
mà những vị tiền nhiệm của Ngài có thể sống một cuộc sống bình thường ở Trường
Quân Sự và vui vẻ với bạn bè đồng trang, đông lứa, thì Ngài lại bị buộc mặc
ngay quân phục của một vị tướng soái để cô đơn thực thi trách vụ của một vị
nguyên thủ quốc gia.
Vì bó buộc phải có một thái độ
dè dặt và cẩn trọng trong mọi hoàn cảnh, Ngài gợi lên hình ảnh của một vị vua
nghiêm nghị và buồn bã cho đến ngày Ngài đến xứ Congo Bỉ năm 1955. Và dịp nầy,
một cách hồn nhiên, Ngài biết cách làm cho dân chúng Phi châu hứng khởi chào đón
Ngài. Có được hứng khởi từ cảm tình dân chúng mà bấy lâu Ngài chưa từng biết đến,
Ngài bắt đầu ý thức về tài năng thiên phú nơi Ngài: Ngay khi trở về lại Bỉ, Nhà
Vua bắt đầu hành xử chức vụ mình một cách sáng chói.
Cuộc hôn nhân sau đó không lâu,
mang lại chiều kích mới trong cuộc đời Ngài: Vợ chồng hoàng gia luôn luôn chứng
thực lòng yêu thương và ân cần đối với tất cả những người không may gặp phải cảnh
khó khăn.
Từ khi vua Baudouin đệ I lên
ngôi, hoàn cảnh bất kháng đã hạn chế các quyền hành thực sự của một vị nguyên
thủ quốc gia. Nhưng chính Ngài lại là kẻ có công lao rất lớn vì đã biết dùng ảnh
hưởng tinh thần của mình để vượt thắng tình trạng bị động ấy. Ngài đã chuyển được
tình thế nầy bằng cách triển khai một nề nếp mới trong việc thực thi chức vụ của
nhà vua: Nề nếp nầy là nét đặc trưng của Ngài, dựa trên sự hiểu biết về con người
và những mối tương quan Ngài sống với họ. Đây không phải là một loại trực giác,
gọi là giác quan thứ sáu, nhưng là một phương pháp tìm hiểu và trực tiếp đương đầu
với các vấn đề một cách có suy nghĩ. Không có một đề tài lớn nào của sinh hoạt
thực tế trước mắt là xa lạ đối với Nhà Vua; trong mọi vấn đề, các người cộng tác
với Ngài đều có bổn phận phải gặp gỡ nhân vật cốt cán (là Ngài) và tham khảo với
Ngài một cách thấu đáo.
Vì đã chuẩn bị chu đáo, nên Nhà
Vua, với khả năng biết lắng nghe được xem là phi thường đã có thể trực diện thu
thập được những ý kiến đứng đắn nhất, những dư luận đáng tin cậy nhất và ngay cả
những tâm sự chân thành, qua từng ngàn cuộc triều yết: Tất cả những sự việc đó đã
làm cho Ngài trở thành con người hiểu biết đầy đủ nhất của toàn Vương quốc. Ngày
tháng dần dà qua đi, và chính giới lão thành cũng hiếm dần. Nhà Vua xuất hiện
như là kho tàng duy nhất lưu giữ kinh nghiệm vô song trong địa hạt quốc sự và được
nhìn nhận như là chính hiện thân của lương tri quốc gia.
Tuy nhiên, sự kín đáo tế nhị mà
Hiến-pháp đòi buộc, thái độ hết sức dè dặt của Ngài đối với báo giới, cũng như
cuộc sống đơn sơ và cao thượng của Ngài đã làm
cho Ngài xa cách với môi trường náo hoạt của giới hay tạo dư luận. Muốn
thẩm định vai trò của Ngài và muốn thấu đáo phẩm chất cao quí của Ngài, thì phải
đợi đến sự ra đi vĩnh viễn của Ngài, một cái chết mà tuyệt đại đa số người dân
Bỉ cảm thấy như là một cái tang của chính họ và được thế giới bên ngoài đánh giá
như một biến cố có tầm vóc quốc gia.
G.d.G.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét