Phần hai
Bí ẩn của một cuộc sống
trong hành trình siêu nhiên
Chương IV
Bí ẩn của một cuộc sống
Bí
ẩn cuộc đời của Nhà Vua không tìm đâu xa; nó nằm trong bề sâu của cuộc sống nội
tâm. Nói rõ hơn: là trong sự hiệp nhất với Chúa trong đời sống hằng ngày của một
kitô hữu, và biểu lộ qua cách cư xử thường nhật phục vụ tha nhân.
Ngài
yêu thương con người, không phải để rồi sẽ được Chúa yêu bù lại (pour l'Amour de Dieu), nhưng do chính
tình yêu Chúa thúc đẩy (de l'Amour de Dieu), không phải do tấm lòng thương hại,
nhưng bởi cảm thức sâu xa về tình huynh đệ nhân loại mà Nhà Vua đã múc lấy nơi
nguồn suối đức tin của mình. Mở ra, đón nhận kẻ khác, - với hệ quả là quên cả
chính mình đi - nếp sống đó đem lại cho Ngài một sự minh mẫn, một tinh thần sẵn
sàng phục vụ phi thường. Khi chứng kiến qua nhiều năm tháng thái độ nhã nhặn và
ân cần đối với kẻ khác của Ngài, tôi đã nhiều lần nghĩ đến câu ngạn ngữ của người
Á Rập: "Hãy đến với ta với tất cả tâm
tình của ngươi, ta sẽ cho lại ngươi đôi mắt để nhìn".
Bức thư gửi một
người không tin
Tại sao tôi tin
Nhà
Vua không phải là một lý thuyết gia, cũng không phải nhà triết học, nhưng Ngài
lấy cuộc sống đức tin làm ý nghĩa của đời mình. Trong các thư Ngài viết, có một
bức thư vào năm 1984, Ngài có trao cho tôi đọc, trong đó Ngài diễn tả một cách
thành thật tại sao Ngài tin . Bức thư nầy gửi cho một người trước đó đã viết
cho Ngài một bức thư đầy căm phẫn và phản chống lại những gì xa gần có đụng đến
tôn giáo hoặc cung cách gọi là xếp nếp.
Nhà
Vua trả lời trực tiếp và thân tình, không tranh biện, nhưng đi sâu vào vấn đề.
Ngài chỉ trình bày về manh mối bước đường sống đạo của chính mình. Việc tuyên xưng
đức tin của Ngài đơn sơ, thành thật, không quanh co.
Một lời tuyên xưng đức tin
"Khi mở mắt ra nhìn
chung quanh tôi, tôi lại tìm gặp được Tình Yêu của Chúa đối với tôi, đối với nhân
loại. Tôi thấy rằng mỗi lần có những người cố sống theo Phúc Âm, như Chúa Giêsu
đã dạy chúng ta, nghĩa là chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương
chúng ta, thì các sự việc bắt đầu thay đổi: Những tình cảm hung hăng, khắc khoải,
buồn phiền nhường chỗ cho an hoà và hoan hỉ.
Tôi có thể nói được với bạn
rằng từ nhiều năm tháng, dù tội lỗi và yếu hèn, tôi cảm nghiệm được sự bình an
và niềm hân hoan nầy; vì tôi luôn cảm nghiệm như thế dù phải đối đầu với những
khó khăn và chia rẽ bao vây chúng ta. Thực ra không ai tự mình đủ khả năng để
giữ được sự an bình và niềm hân hoan nầy trong tâm hồn mình. Nhưng Chúa Giêsu hứa
điều đó cho người nào muốn bước đi theo Ngài.
Khi còn niên thiếu, tôi khám
phá được rằng Thiên Chúa, trong chính con người của Đức Giêsu, đã yêu chúng ta
và yêu thương tôi với một mối tình điên rồ, không tưởng tượng được, nhưng rất cụ
thể. Ngài đã chịu khổ nạn kinh khủng nhất để cứu độ chúng ta, để cứu lấy tôi, để
cứu lấy mỗi một người chúng ta, từng người một, khỏi sự khống chế của sự ác, và
làm cho chúng ta được thông dự vào cuộc sống Thiên Chúa của Ngài. Nếu chúng ta
muốn, nếu chúng ta chấp nhận Ngài, thì
Cha Ngài trở thành Cha chúng ta, Cha của tôi. Đức Maria, Mẹ Ngài, cũng trở thành
Mẹ tôi, Mẹ chúng ta.
Từ ngày đó, đời tôi đã thay
đổi. Tôi muốn nói đổi thay nơi cái nhìn của tôi về các sự việc, vì tôi e rằng tôi
vẫn là con người cũ đó với những thiếu sót cố hữu của mình. Nhưng những yếu đuối
của tôi không làm tôi nản lòng; trái lại, chúng là một lý do để tôi có thể hoàn
toàn nương tựa vào Tình yêu đầy quyền năng và Sức mạnh của Cha tôi, và cũng là
Cha của chúng ta.
Hầu như mỗi ngày, từ dạo đó,
tôi thấy được trong đời tôi những dấu chỉ thiết thực của tình yêu Thiên Chúa.
Fabiola đã là một dấu chỉ đó và còn là một dấu chỉ nổi bật nhất. Vì thế, lắm
khi tôi tự hỏi rằng phải chăng mọi sự xảy ra tốt đẹp quá như là không thật, phải
chăng đây như là sản phẩm trí tưởng tượng của tôi và phải chăng là câu chuyện
thần tiên hơn là thực tại đầy gian truân. Tôi tự hỏi phải chăng tất cả chúng ta
bị trói buộc bởi số phận nghiệt ngã nơi một thế giới mỗi người chỉ biết có
mình, thế giới của luật rừng, mạnh được yếu thua".
Trong
giòng tư tưởng đó, Nhà Vua có lần nói rõ về những lý do của lòng tin Ngài đối với
một quan khách trọng vọng đến thăm Ngài và có dịp trình bày với Ngài về lập trường
bất khả tri về thần thánh của ông. Ngài viết trong nhật ký rằng:
"Tôi tâm sự với vị ấy
rằng, đối với tôi, con đường của tôi nó khác : nó không phải suy tư triết học.
Nhưng là một sự gặp gỡ, không ai bày vẽ ra cả; đây là một sự xác thực nơi tâm hồn
tôi rằng Chúa Giêsu yêu tôi và Ngài sống trong tôi, cũng như trong tâm hồn kẻ
khác. Mọi sự đã thay đổi kể từ ngày đó. Sự hiện diện nầy đã không bao giờ rời
xa tôi từ lúc tôi lên 18 tuổi cho đến nay".
Trước
lời đó, vị quan khách trả lời Ngài :
"Cảm nghiệm đó chứng
thực nơi Ngài: một cái gì đó thật thâm sâu đang linh hoạt nơi Ngài..."
Một lời dẫn lộ cho người bạn
có lòng tin
Một
doanh gia trẻ tuổi thân thuộc trong gia tộc đôi khi hỏi ý kiến Ngài về việc cần
phải sống và chu toàn cuộc sống kitô hữu của mình như thế nào giữa lòng trần thế.
Vào
dịp Nhà Vua băng hà, người ấy đã cho đăng từng đoạn các phần trích từ các bức
thư ông ta đã nhận được trước đây. Tôi cảm ơn ông nầy cho phép tôi được phổ biến
nội dung rất cô đọng và hùng hồn đó.
Một cương lãnh cho đời sống
Nhà
vua viết thư cho ông ấy như sau:
"Anh hãy tin thật rằng
Chúa thương anh, như chưa từng có ai đã thương anh như thế..., tình yêu của Ngài
đối với anh vững bền luôn mãi. Bất cứ anh làm việc gì, thì Ngài luôn luôn ở với
anh.
***
Ngài muốn anh mang Ngài đi khắp nơi,
bất cứ nơi nào anh đến để Ngài tràn lan trong cuộc sống của anh đến mức mà dần
dần anh sẽ khám phá ra những cử chỉ của Chúa Giêsu qua những người thân thuộc của
anh. Anh hãy để Ngài dẫn lối anh đi vào chính cuộc sống của Ngài.
***
Anh đừng chần chừ chờ đợi để
cảm nghiệm Chúa Kitô trong anh rồi đến với kẻ khác. Ngài ở trong anh, anh phải
nhường chỗ cho Ngài, phải để cho Ngài hướng dẫn xướng xuất. Đừng bao giờ nhìn vào
mình để chỉ thấy mình, trừ phi để cám ơn Chúa đã tạo dựng ra anh trong thân phận
rất yếu hèn. Cùng với Mẹ Maria bên cạnh, mọi sự trở thành dễ dàng. Hãy nghe
theo lời Mẹ dạy...hãy trung kiên bước đi theo Chúa Kitô. Chúa không rời bỏ anh.
***
Hãy sống làm sao để qua con
người của anh, Chúa Giêsu hiện diện sáng lên giữa bao cảnh khốn cùng. Dù anh tự
thấy mình không đáng gì, nhưng Chúa muốn anh nên thánh. Ngài cần đến sự yếu hèn
của anh để đến gần với mọi người và tỏ bày uy lực tình yêu của Ngài. Đừng ngại
các thánh giá mà một người môn đệ của Chúa Kitô phải vác lấy mỗi ngày. Các thánh
giá nầy luôn vừa với sức mình.
***
Chúng ta cảm nghiệm được sự
an bình và niềm vui của Chúa, và điều đó nâng đỡ chúng ta mỗi giây phút...
Xin Chúa làm cho chúng ta
thành những con người thánh thiện thật sự sẵn sàng hiến mạng sống chúng ta cho
Ngài...Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đức tin, lòng nhiệt thành và cùng yêu
thương như các kitô hữu đầu tiên.
***
Tất cả những hoàn cảnh anh
sống đều có thể được Chúa thánh hoá, nếu anh biết kết hợp với Ngài...Ước gì ý
chí của anh hay ít nhất là ước muốn của anh được qui hướng về Ngài.
***
Bất hạn ở nơi nào, anh hãy
yêu thương người bên cạnh anh một cách cụ thể, nghĩa là phục vụ, lắng nghe,
chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những ưu lo, những điều thích thú của người ấy,
khích lệ và, nếu anh cảm thấy có hứng khởi thì hãy sẵn sàng chia sẻ nguồn vui và
sự bình an của anh. Ngay ở trên đường phố, buổi sáng, trong biển người đóng
khung cuộc sống mình trong nỗi lo âu riêng, thiếu nguồn hy vọng, thì anh hãy là
nhân chứng của niềm vui luôn cư ngụ trong tâm hồn anh ( ngay cả khi anh không cảm
thấy).
***
Ở giữa những cảnh trái ngược
và khốn khổ, dù lớn hay nhỏ, chúng ta cố gắng nhận ra, cho thật sớm, sự hiện diện
của Chúa và Thánh giá, rồi rán sức chạy để gặp và ôm giữ lấy.
***
Anh hãy nhớ đến kho tàng vô
giá ở trong lòng anh và nhớ rằng kho tàng ấy đã được đặt đó để được chia sẻ cho
mọi người; nếu không, nó sẽ hao mòn và chết đi".
Vun trồng mỗi ngày
Kinh sáng
Đọc
kinh cầu nguyện chiếm một vị thế ưu thắng trong chương trình sống hằng ngày của
Nhà Vua. Thường là vào những giờ đầu tiên trong ngày. Đôi khi đặc biệt, Ngài đến
nhà nguyện vào buổi tối. Ngài viết rằng: "ở yên chiêm ngắm Thiên Chúa
trong thinh lặng và trống không của cuộc sống đức tin hầu như luôn là việc làm
khó khăn". Nhưng Nhà Vua tin cậy vào Chúa, Đấng luôn tác động ơn ích của
Ngài trên chúng ta, dù chúng ta không hay biết, vượt lên trên cả cảm xúc và phản
ứng của chúng ta.
Một
ngày kia, Nhà Vua khuyên một trong những người thân thuộc "nên trải lòng
mình dưới ánh sáng mặt trời của Chúa và đừng sợ mất thì giờ trong nhà nguyện, dù
mình không cảm thấy gì cả. Phải cần ở lâu dưới ánh mặt trời để chúng ta có thể
chín mùi, và việc làm đó đòi hỏi một ít kiên nhẫn".
Buổi
kinh ban sáng của Vua là đặt mình trước mặt Chúa, lắng nghe và chuẩn bị sẵn sàng
để phục vụ người khác đắc lực hơn. Đó là buổi Nhà Vua gặp Chúa để xin Chúa giúp
cho mình biết ân cần đối với những người Ngài sẽ tiếp xúc.
Và
suốt ngày là một chuỗi cầu nguyện trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó là ý
nghĩa của việc bồi bổ sức sống từng ngày, trong đời Ngài.
Cầu
nguyện trước tiên không phải là "xin", mà "lắng nghe". Không
phải cầu nguyện cho đến khi Chúa lắng nghe ta, nhưng cho đến khi chúng ta nghe được
điều Chúa muốn nơi ta.
Lời kinh mở ra với thế giới
Ngài
viết:
"Hôm nay tôi cố lưu ý đặc
biệt đến tất cả những người mà Chúa đặt để trên bước đường của tôi.
Chiều hôm nay, chúng tôi đã
hiện diện trong một cuộc tiếp tân lớn, của giới ngoại giao, các quyền chức của
OTAN, SHAPE, Thị Trường Chung.
Đây là dịp để gặp gỡ mọi người
trong tâm tình của Chúa. Trong giờ suy gẫm của chúng tôi, chúng tôi đã hiểu được
rằng Chúa đã muốn chúng tôi thực hiện điều đó.
Ngài không đòi hỏi chúng tôi
làm chuyên gia kỹ thuật trong các lãnh vực rất đa dạng từ âm nhạc đến chính trị,
nhưng là tiếp nhận ơn soi sáng Thánh Thần của Ngài để yêu thương người khác với
tình yêu của Ngài, nhìn họ với con mắt của Ngài, nghe họ với tai của Ngài, nói
với họ bằng những lời của Ngài. Lạy Chúa, Fabiola và con, chúng con mong ước điều
đó với tất cả tâm hồn của chúng con".
***
"Lạy Chúa con cần đến
Chúa, đến sức mạnh, sự trợ giúp của Chúa. Xin hãy chiếm ngữ lòng con, đừng để
con tự canh cánh với sức lực riêng con. Chúa biết nỗi khắc khoải trong lòng
con. Tình thế của nước Bỉ làm cho con lo ngại.
Với Cockerill Sambre chuyện
gì sẽ xảy ra cho đây? Lạy Chúa Giêsu, xin hãy gìn giữ xứ sở con. Xin Chúa giúp
những người trong chính phủ biết thuận thảo với nhau. Họ cần phải can đảm nhiều".
Trong những cuộc đối thoại khó khăn
"Lạy Chúa xin ban cho
con sức mạnh để đừng phản ứng khi phê phán một cách trái lẽ; và sự hiểu biết để
thông cảm với ông ta vượt lên trên những lời nói...Xin ban ơn cho con để con yêu
mến ông ấy, nói ra được với ông ấy điều con cần nói".
Nghề làm vua
"Lạy Chúa Giêsu, xin dạy
con cư xử với những người con sẽ gặp theo đường lối của Chúa muốn cho con phải
cư xử: là trở nên một người chứng cho tình yêu Chúa đối với mọi người. Nhưng, lạy
Chúa, trong vị thế cụ thể đặc biệt của con điều đó có nghĩa là gì?
Làm sao để con hiểu được đây?
Lạy Chúa Thánh Thần, con xin Ngài đừng bỏ con, xa con một bước nào. Xin Ngài hãy
trở thành sức mạnh, sự khôn ngoan, cẩn trọng, sự vui vẻ cởi mở, lòng can đảm, và
lý luận của con.
Con thấy con bất lực trong
lời nói. Nhưng mặt khác, con biết Chúa cần sự yếu hèn của con để tỏ bày vinh
quang của Chúa.
Ôi Thiên Chúa con, xin Ngài
tha thứ thân phận con sâu của con mà muốn làm một con tuấn mã. Xin làm cho con
trở thành khiêm tốn và sung sướng vì Chúa đã tạo dựng nên con nhỏ bé thế nầy, lạy Chúa toàn năng.
"...Chúa biết điều hay
nhất để sống như Chúa muốn cho con phải sống. Lạy Chúa, con tin là con thường có
những giấc mơ hoàn toàn lệch lạc. Con thường suy nghĩ quá nhiều về "sứ mạng"
Chúa đã phó thác cho con và do sứ mạng đó mà con đã sinh ra đời. Con lại thường
hay quên rằng trước hết mọi sự, con sống là vì Chúa, là để thờ lạy Chúa, chiêm
ngắm Chúa, để yêu thương tất cả những ai Chúa gửi đến trên bước đường đời của
con, nhưng yêu thương họ như Chúa yêu họ và với tình yêu của chính Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, van xin Ngài
giúp con trực chỉ hướng đến Ngài, luôn luôn, từng giây từng phút. Vừa rồi đây,
khi đi dạo dưới mưa, con tin rằng Chúa mời con đi thăm các người cảnh binh. Khi
vào căn nhà nhỏ của họ, họ đã tiếp đón con một cách đơn sơ và thân mật. Họ giải
thích công việc làm hằng ngày của họ cho con nghe..."
Thánh lễ
Thánh
lễ hằng ngày của Nhà Vua là trọng điểm trong ngày, là nguồn suối nước bồi bổ
trong sa mạc siêu nhiên của thế giới. Trong các lần công tác mà nghề làm vua phải
thực hiện ở tất cả các lục địa, Nhà Vua yêu cầu người ta tìm cho Ngài một linh
mục ở tại chỗ, thường là một nhà truyền giáo gốc Bỉ để cử hành thánh lễ.
Ngài
mong được sống Thánh Thể hằng ngày theo nhịp của đời sống phụng vụ, với những lễ
kính và các trang Thánh
Kinh đặt vào trong sách lễ hằng ngày.
Ngài
ghi lại trong nhật ký bỏ túi tư tưởng trong ngày trích dẫn từ kinh nhập lễ, Thánh
Thư hay Phúc Âm của ngày ấy, và đôi khi chia sẻ với những người thân thuộc qua điện
thoại.
Sau
khi Ngài đã khuất, người ta đọc được trong cuốn nhật ký một bản kinh, khích lệ
và nhắc nhở ngài chu toàn nghề làm vua của mình:
"Lạy Chúa, xin Ngài làm
cho chúng con đau cái khổ đau của những người khác,
Lạy Chúa xin đừng để chúng con sung sướng một
mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khắc khoải về nỗi
cùng cực của muôn người.
Và xin cứu thoát chúng con vượt lên chính mình vâng
theo ý Chúa".
Đi
đôi với Thánh lễ, bí tích hoà giải đối với Ngài là một nguồn suối tân tạo và sức
mạnh tái sinh. Ngài cũng đều đặn đi tĩnh tâm cuối tuần với hoàng hậu hay với bạn
bè.
Và
ngày nọ, Ngài tâm sự với một trong những bạn bè là Ngài làm vua:
"để yêu quê hương mình
để cầu nguyện cho quê hương mình để khổ đau cho quê hương mình".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét